World Bank: Việt Nam nỗ lực trở thành con rồng trỗi dậy ở châu Á cả về kinh tế, xã hội và giáo dục

Giang Phạm

Sự tiến bộ trong giáo dục đã đóng góp chính làm nên mức xếp hạng ấn tượng của Việt Nam về Chỉ số vốn nhân lực, đứng thứ 48 trong số 157 quốc gia.

Trong báo cáo vốn nhân lực, thành tựu giáo dục và thách thức tương lai vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam đã nỗ lực để trở thành con rồng đang trỗi dậy ở khu vực châu Á trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giáo dục. 

Theo WB, sự tiến bộ trong giáo dục là một trong những yếu tố đóng góp chính làm nên mức xếp hạng ấn tượng của Việt Nam trong Chỉ số vốn nhân lực (HCI), 48 trên 157 quốc gia. Trong đó, một trong 3 chỉ số HCI quan trọng nhất là số năm đi học (tính đến 18 tuổi), kết hợp với thước đo chất lượng học tập ở trường dựa trên thành tích của quốc gia trong các chương trình đánh giá thành tích học sinh quốc tế.

Ngoài ra, WB cũng nhắc đến những nỗ lực nhất quán của Chính phủ nhằm cải thiện hệ thống giáo dục và thành tích học tập thông qua những lần cải cách.

WB cũng nhắc đến những nỗ lực nhất quán của Chính phủ nhằm cải thiện hệ thống giáo dục.
WB cũng nhắc đến những nỗ lực nhất quán của Chính phủ nhằm cải thiện hệ thống giáo dục.

Theo World Bank, dù mức độ phát triển của kinh tế Việt Nam còn thấp, GDP bình quân đầu người 2.170 USD vào năm 2016, học sinh nhìn chung vẫn vượt trội so với học sinh các nước OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa).

Cụ thể, kết quả Pisa năm 2015 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 8 về lĩnh vực khoa học, thứ 22 về toán, thứ 32 về đọc hiểu trong số 72 quốc gia tham gia đánh giá. Điểm trung bình của Việt Nam về khoa học cao hơn 32 điểm so với mức trung bình của OECD, tương đương với khoảng một năm học.

Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra, hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đưa đất nước trở thành nền kinh tế tri thức. Đầu tiên là tỷ lệ tiếp cận giáo dục trung học còn thấp và không công bằng.

Thách thức tiếp theo là mặc dù chính phủ cam kết cải thiện chất lượng giáo dục thông qua tăng cường phương thức giảng dạy dựa trên năng lực, cải cách chương trình và sách giáo khoa nhưng vẫn thiếu những hướng dẫn rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho phương thức giảng dạy này. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn để nâng cao trình độ học vấn và phương châm học tập suốt đời, để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục sau phổ thông cũng còn nhiều bất cập mang tính cơ cấu, bao gồm thiếu kinh phí và chiến lược toàn ngành không đủ mạnh. WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những điểm yếu này và cam kết khắc phục để tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin Cùng Chuyên Mục