10 tập đoàn lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã mất hơn 153 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một tuần

Như Quỳnh

Chuyên gia dự đoán việc Trung Quốc siết chặt quản lý với nhiều tập đoàn công nghệ nội địa sẽ giúp cổ phiếu các đại gia công nghệ Mỹ hưởng lợi. 

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc giao dịch tại Mỹ có một tuần khó khăn trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tiếp tục siết gọng kìm tập đoàn công nghệ nội địa. 

Theo Forbes, chỉ riêng 10 công ty Trung Quốc lớn nhất đã mất hơn 15% tổng giá trị thị trường - tương đương 153 tỷ USD trên sàn giao dịch chứng khoán New York trong tuần từ ngày 16 - 22/8. 

Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma là một trong những cái tên chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất trong tuần qua. 
Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma là một trong những cái tên chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất trong tuần qua. 

Cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử Alibaba - công ty Trung Quốc lớn nhất niêm yết tại Mỹ nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá cổ phiếu Alibaba giảm hơn 15% trong tuần qua, xuống chỉ còn 157 USD/cổ phiếu, đồng thời khiến giá trị thị trường của tập đoàn chỉ còn 424 tỷ USD. 

Các nhà bán lẻ trực tuyến khác như JD.com và Pinduoduo cũng ghi nhận xu hướng giảm giá cổ phiếu tương tự. Giá trị thị trường hai tập đoàn này lần lượt mất đi 20 tỷ USD và 10 tỷ USD. 

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty trò chơi trực tuyến NetEase, nhà sản xuất ô tô điện NIO và công ty Internet Baidu lần lượt giảm 11%, 10% và 10% trong tuần vừa rồi.

"Trung Quốc vẫn là mối quan ngại lớn trên toàn cầu", nhà phân tích thị trường Adam Crisafulli nhận định. Ông cho rằng nguyên nhân chính là bởi chiến dịch tăng cường quản lý của chính quyền Bắc Kinh hướng tới các tập đoàn công nghệ lớn. 

Trong tuần thứ 3 tháng 8, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm liên tục sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ phân phối lại tài sản trong nước bằng cách điều chỉnh lại "mức thu nhập cao quá mức" của một số cá nhân. Tuyên bố của ông Tập cũng dẫn đến một đợt bán tháo hàng loạt cổ phiếu đến từ các thương hiệu xa xỉ châu Âu kinh doanh tại đại lục như LVMH hay Kering. 

Bắt đầu từ tháng trước, Trung Quốc đã công bố một loạt quy định mới nhắm vào nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước. Các quan chức nước này giải thích rằng đây là động thái ngăn việc khai thác và sử dụng thông tin người dùng trái phép. Tuy nhiên giới đầu tư vẫn tỏ ra e ngại trước những quy định mới trên.

"Trung Quốc đúng là một thị trường rộng lớn có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên rõ ràng nhà đầu tư cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về quy định. Những rủi ro này dường như ngày càng lớn hơn theo từng tháng", biên tập viên Tom Essaye của tờ Sevens Report viết. 

Việc Trung Quốc siết chặt quản lý với các tập đoàn công nghệ nội địa có thể giúp cổ phiếu của đại gia công nghệ Mỹ hưởng lợi. 

"Nỗi sợ hãi với hàng loạt quy định mới ở Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn đến sự dịch chuyển làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc sang công ty Mỹ", nhà phân tích Dan Ives nhận định. 

Tin Cùng Chuyên Mục