20 tuổi trở thành CEO, huy động được 77 triệu USD, doanh nhân trẻ nhắn nhủ: Làm sếp cô đơn hơn bạn tưởng!

Theo Gia Vũ/Trí Thức Trẻ

Suhail Doshi là người sáng lập và cựu CEO của Mixpanel, một công ty phân tích dữ liệu đã huy động được 77 triệu USD trong 10 năm qua.

Năm 20 tuổi, tôi trở thành CEO sau khi bỏ học đại học và chỉ thực tập tại duy nhất một công ty trước đó. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng hành trình của mình sẽ bắt đầu từ việc ngồi code (viết mã) cả ngày cho đến khi trở thành người quản lý đội ngũ gồm 300 nhân viên. Dù từng làm hỏng không ít việc nhưng tôi đã rất may mắn khi được mọi người nhiệt tình giúp đỡ.

20 tuổi trở thành CEO, huy động được 77 triệu USD, doanh nhân trẻ nhắn nhủ: Làm sếp cô đơn hơn bạn tưởng! - Ảnh 1

 

Dưới đây là một số điều tôi đã học được trong suốt những năm qua:

Nới lỏng kiểm soát là một việc không hề dễ dàng. Ban đầu, tôi cảm thấy tất cả đều quan trọng. Nhưng không ai có thể giỏi mọi thứ và theo thời gian, tôi nhận ra rằng mình cần từ bỏ những thứ không thực sự liên quan và ảnh hưởng đến công việc.

Khi cố gắng cải thiện nhiều thứ cùng lúc, tôi đã bị quá tải. Thay vào đó, giờ đây tôi chỉ tập trung vào hai đến ba mục tiêu lớn mỗi năm. Hầu hết các CEO mới đều phải làm việc chăm chỉ để kết nối chặt chẽ hơn với nhân viên khi công ty ngày càng phát triển. Hãy nói với họ rằng bạn đang thực hiện điều đó để củng cố niềm tin nội bộ.

Ngoài ra, sẽ có một số thời điểm bạn cảm thấy mình đang lãng phí thời gian vào các cuộc họp. Nhưng hãy nhớ rằng, là một người lãnh đạo, việc của bạn là giúp đỡ người khác thông qua buổi họp chứ không phải chán ghét nó. Hãy khiến thời gian họp trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Trao quyền cho các nhóm cũng sẽ giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng trong công việc.

Đừng trốn tránh việc đối diện với những quyết định trọng đại, hãy đối mặt trực tiếp với chúng. Bên cạnh đó, tránh đối đầu dẫn đến sự phẫn nộ và gây ra sự bất ổn trong nội bộ công ty.

Trong quá trình điều hành, đôi lúc bạn sẽ nói sai hoặc không công bằng. Những người bị ảnh hưởng có thể sẽ có ác cảm với bạn trong thời gian dài. Trong trường hợp này, "Tôi xin lỗi" được cho là một trong những câu nói có tác dụng nhất mà bạn có thể nói với họ. Tất nhiên bạn cũng cần nhớ rằng câu nói này không phải lúc nào cũng có tác dụng giải quyết tận gốc sự việc.

Khi trở thành sếp, công việc của bạn sẽ là 90% lắng nghe và 10% nói chuyện. Sau gần 10 năm làm CEO, giải pháp tốt nhất mà tôi nghĩ ra để không ngắt lời người khác là viết ra những điều cần nói trong cuộc họp.

Trực giác về khách hàng và thị trường của bạn sẽ tệ hơn khi công ty phát triển nếu bạn càng xa cách với người tiêu dùng. Hãy tiếp tục trao quyền cho các nhóm nhỏ để họ có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và chính xác.

Quyền lực đồng nghĩa với trách nhiệm. Trở thành CEO sẽ cô đơn hơn bạn tưởng bởi bạn không thể dễ bị tổn thương và đôi khi là chính mình như vốn dĩ con người của bạn. Để vượt qua điều này, hãy tìm những người CEO hoặc người sáng lập khác và chia sẻ thật lòng vấn đề của bạn.

Tìm một nhà cố vấn đáng tin cậy, người có thể giúp đỡ bạn khi khó khăn và "kéo" bạn xuống khi bạn quá tự mãn với thành tích đạt được. Không những vậy, bạn cũng nên tìm một nhà trị liệu để giải quyết các vấn đề tâm lý cá nhân nếu cảm thấy quá căng thẳng.

Cuối cùng, hãy luôn làm việc chăm chỉ để phát triển. Tuy không thể sửa chữa hoàn toàn những sai lầm của quá khứ nhưng bạn có thể làm tốt hơn trong hiện tại và tương lai.

Tin Cùng Chuyên Mục