Aeon muốn xây 2 trung tâm thương mại tại Cần Thơ và Bắc Giang

Đoàn Chi

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ở Tokyo, công ty TNHH Aeon Mall đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc đầu tư trung tâm thương mại tại Cần Thơ và Bắc Giang. Mức đầu tư 250 triệu USD cho mỗi dự án.

Aeon muốn xây 2 trung tâm thương mại tại Cần Thơ và Bắc Giang

Việt Nam là nước được Aeon Mall đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD. Thời gian tới, tập đoàn sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí.

Hiện Aeon đang vận hành 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, hiện diện tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế….

Hồi thánh 10, UBND tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Nam Định với Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam.

Các địa phương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản; đồng thời cam kết đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính, những khó khăn, vướng mắc từ giai đoạn khảo sát đầu tư đến suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

AEON bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, sau đó chính thức thành lập Công ty TNHH AEON Việt Nam vào 2011.

Các lĩnh vực mà AEON đầu tư tại Việt Nam gồm: trung tâm mua sắm; trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị; cửa hàng chuyên doanh; trang thương mại điện tử; siêu thị vừa và nhỏ.

Theo Aeon công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm tài chính 2024 (từ 1/3 tới 31/8/2023) cho thấy Việt Nam là thị trường nước ngoài duy nhất ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hoạt động.

Trong kỳ, doanh thu và lợi nhuận hoạt động của Aeon Việt Nam lần lượt đạt 7,15 tỷ yên (hơn 1.172 tỷ đồng) và 1,99 tỷ yên (326 tỷ đồng) tương ứng với mức tăng 21% và 37% so với cùng kỳ.

Đánh giá thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm tài chính, Aeon cho biết doanh số bán hàng đã tăng hơn 44,2% so với năm tài chính 2019, thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19. Một số vấn đề trong quý II như nhu cầu tiêu dùng yếu và tăng trưởng vĩ mô chậm đã khiến doanh số bán hàng tại các cửa hàng chuyên biệt giảm 2,9%.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua cũng lọt vào mắt xanh nhiều ông lớn như Hàn Quốc, Thái Lan.

Tin Cùng Chuyên Mục