BaF Việt Nam (BAF) muốn phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Lam Lê

Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã CK: BAF) thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022 với mục đích góp vốn để tăng vốn điều lệ tại các Công ty con.

Cụ thể, ngày 15/08/2022, Công ty đã thông qua kế hoạch triển khai phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation) – thành viên của Ngân hàng Thế giới (viết tắt IFC).

Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.

BaF Việt Nam (BAF) muốn phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ - Ảnh 1

Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; 110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng; và góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 3 Công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.

Trước đó không lâu, BAF bất ngờ thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022. BAF cho biết một số nội dung đã nêu tại phương án phát hành trái phiếu không còn phù hợp với tình hình thực tế theo quy định mới của Nghị định 65 nên nay mới thực hiện việc phát hành lại.

Về kết quả kinh doanh, BAF cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 1.919,6 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp đạt 216 tỷ đồng, gấp 3 lần quý cùng kỳ.

BaF Việt Nam (BAF) muốn phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ - Ảnh 2

Trong kỳ, chi phí tài chính nhiều gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 5,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận mức 24,2 tỷ đồng và 19,5 tỷ đồng - cao gấp 7 lần và tăng 38% so với cùng kỳ. Kết thúc kỳ, BAF báo lãi 158 tỷ đồng, tăng gần 260% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty thu về gần 4.890 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt hơn 286 tỷ đồng, tăng 17%.

Về cơ cấu doanh thu, mảng bán nông sản đạt giảm 54%, còn gần 3.934 tỷ đồng (chiếm 80% tổng doanh thu); nhưng doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% lên hơn 955 tỷ đồng (chiếm gần 20%).

Giải trình về kết quả trên, BAF cho biết 9 tháng qua, sản lượng và doanh thu tăng do cơ cấu đàn dần đi vào ổn định, các trại mới đã đi vào vận hành. Cùng với đó, giá heo hơi trung bình quý III tăng 21% so với năm trước, tác động làm chỉ số kinh doanh tăng. 

Trong năm 2022, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng, BAF thực hiện được 94% mục tiêu doanh thu và 71% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính tới ngày 30/9/2022, tổng tài sản của BAF Việt Nam giảm 6,2% xuống 5.199 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 66% với 3.394 tỷ đồng; trữ tiền tăng 13,5% lên 330,2 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 38,3% lên 1.505 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 15,6% xuống 3.378 tỷ đồng; tổng vay nợ tăng vọt 460% so với đầu năm lên 914 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ đồng là trái phiếu thường dài hạn. Vốn chủ sở hữu tăng 19,6% so với đầu năm lên 1.741 tỷ đồng.

BaF Việt Nam (BAF) muốn phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ - Ảnh 3

Tại một diễn biến liên quan, trong tháng 10/2022, ban lãnh công ty đã đạo ồ ạt thoái vốn. Cụ thể, ông Lê Xuân Thọ, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam vừa bán ra 2.075.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2% về còn 0,55% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/10 thông qua khớp lệnh thỏa thuận.

Ông Phan Ngọc Ân, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc cũng bán ra 6.593.700 cổ phiếu BAF để giảm sở hữu từ 6,32% về còn 1,73% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/10 đến 11/10.

Bà Bùi Hương Giang - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cũng bán ra 13.852.250 cổ phiếu nhằm giảm sở hữu từ 13,25% về 3,6% vốn điều lệ, giao dịch thực hiện từ 5/10 đến 18/10. Như vậy, sau giao dịch bà Giang không còn là cổ đông lớn tại BAF.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Hội đồng quản trị BAF đã thông qua việc tạm rút hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022. Lý do về việc tạm dừng kế hoạch phát hành vì một số nội dung nêu trong phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế theo quy định mới Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. BAF cho biết sẽ điều chỉnh phương án cho phù hợp và nộp lại hồ sơ trong thời gian sớm nhất.

Tin Cùng Chuyên Mục