Bất thường sau khi mở lại xuất khẩu gạo

Theo Chinhphu.vn

Việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo và hoạt động đấu thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo còn nhiều bất cập, theo phản ánh của doanh nghiệp.

Trước đó, cuối tháng 3, hải quan dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu, sau chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch. Đến ngày 11/4, Chính phủ cho phép nối lại xuất khẩu với hạn ngạch 400.000 tấn gạo trong tháng này. 

Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo của doanh nghiệp với các phản ánh về việc “có dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh” trong giao dịch thương mạị liên quan tới hạn ngạch xuất khẩu vừa qua.

Bất thường sau khi mở lại xuất khẩu gạo - Ảnh 1
Hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp đã được mở cửa trở lại.

Về những nội dung trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến giao Bộ Tài chính, Công Thương báo cáo rõ về những phản ánh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết có thông tin phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan hải quan và việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, gây khó khăn.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trong báo cáo, Bộ Tài chính phải nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua dự trữ lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương báo cáo về công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Công văn nêu rõ, hai bộ Tài chính và Công Thương phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 18/4.

Trước đó, theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực, chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ từ 0h ngày 12/4, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã được lấp đầy. Không ít doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là vừa và nhỏ) cho rằng việc mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm, không thông báo trước là không minh bạch khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Doanh nghiệp cho rằng, việc xuất khẩu bị ngưng trệ nhưng các chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tiền lương vẫn phát sinh và thậm chí mỗi một ngày trôi qua chất lượng hàng hóa đó cũng bị ảnh hưởng. Nếu các lô hàng hóa không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phía Hiệp hội cho rằng nếu không thông quan và xuất khẩu được gạo trong tháng 5  thì một số thương nhân không còn tiền để trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng uy tín. Do vậy phía thương nhân kiến nghị, cần giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng, và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể, ước tính số lượng thực tế không vượt quá 300.000 tấn.

Đại diện Hiệp hội này cũng góp ý, cơ quan Hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh và luồng vàng cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng. Riêng với hạn ngạch 400.000 tấn, Hiệp hội  Lương thực kiến nghị tiến hành kiểm hóa thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal (niêm phong) thực tế của container hàng có đúng với số lượng đã truyền qua mạng để mở tờ khai hay không. Vừa kiểm tra vừa xuất hàng thực tế bị tồn đọng tải cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ hạn ngạch.

Hiệp hội Lương thực cũng đề nghị Tổng cục Hải quan công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục hải quan địa phương  thực hiện.

Về phía Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: Hệ thống thông quan điện tử của hải quan Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản tài trợ và đã được thông quan tự động từ mấy năm nay, tất cả tờ khai, thủ tục hải quan thực hiện trên điện tử 24/7, tức là doanh nghiệp khai mọi lúc mọi nơi, không có sự can thiệp, tác động chủ quan của công chức hải quan. Các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác nhưng chỉ khác điều kiện là chỉ giới hạn trong 400.000 tấn gạo.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, theo thống kê, từ 0 giờ ngày 12/4, có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương. Theo ông Tuấn, hải quan làm hoàn toàn tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký và tự động chấp nhận tờ khai, trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây.

Tuy nhiên, ông cho biết cũng từ việc rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường. Cụ thể, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu, có những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo.

Theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.

Ông Tuấn cho rằng, cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo, thay vì phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng, có thể đấu giá hạn ngạch (như mặt hàng đường), dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định. Bên cạnh đó, theo ông, doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của họ trong 6 tháng trước, đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu.

Ông cho rằng như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi thực hiện ký hợp đồng và đăng ký tờ khai xuất khẩu, tránh tình trạng đơn vị nào nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch như thời gian qua. 

Tin Cùng Chuyên Mục