Bình Phước: Khốn khổ vì dính tranh chấp hợp đồng miệng

Song Tháp - Thủy Bắc

Đem niềm tin vào dự án trồng cao su ích nước lợi nhà, người nông dân đầu tư tiền cùng công sức chăm sóc mấy chục hét ta. Nào ngờ đến ngày cạo mủ thì bị tranh chấp bởi hợp đồng miệng của người khác, nhằm chiếm đoạt thành quả lao động của mình.

Tiền trao & cháo múc

Trong đơn kêu cứu gửi nhiều cơ quan chức năng của huyện Đồng Phú và tỉnh Bình Phước, ông Trần Đức Lý (43 tuổi, ngụ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, Đồng Phú) trình bày: Tháng 12/2006, ông Trần Tấn Minh (ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) là Giám đốc Ban quản lý Rừng kinh tế Suối Nhung, ký hợp đồng (HĐ) giao khoán, quản lý rừng với Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là Cty SASCO).

Đến năm 2009-2010 tỉnh Bình Phước cho chuyển đổi rừng tại khu Suối Nhung (huyện Đồng Phú) sang trồng cao su diện tích khoảng 233,8 hecta, do Cty SASCO đầu tư 100% vốn. Với tư cách cá nhân, ông Trần Tấn Minh ký tiếp 2 HĐ liên doanh với Cty SASCO diện tích khoảng 233,8 hecta, ông Minh đầu tư 100% vốn trồng cao su.

Bình Phước: Khốn khổ vì dính tranh chấp hợp đồng miệng - Ảnh 1

Công an có mặt tại khu cao su có tranh chấp.

Do khó khăn về vốn, trong năm 2010-2011 ông Minh ký hợp đồng với một số bà con, trong đó có HĐ liên doanh với ông Lý tổng cộng khoảng 46 hecta đất trồng cao su. Phía ông Lý đầu tư 100% tiền trồng & chăm sóc. Sau 5 năm phía ông Lý được quản lý, khai thác sử dụng 50% diện tích cao su nói trên trong 30 năm từ ngày ký HĐ.

Để thực hiện, phía ông Lý đã đưa ông Minh tổng cộng khoảng hơn 1 tỷ đồng đầu tư trồng cao su. Như vậy, ông Lý đã ký HĐ liên doanh với ông Minh một cách công khai, thiện chí.

Tranh chấp bằng hợp đồng... miệng  

Nhận đầu tư chăm sóc khoảng 46 hecta từ ông Minh trong dự án trồng cao su của Cty SASCO được khoảng 2 năm, thì ngày 4/3/2013 UBND tỉnh Bình Phước ra quyết Định số 325: Thu hồi toàn bộ diện tích đất dự án trồng cao su nói trên của Cty SASCO, do có sai phạm khi thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng thu hồi, tháng 10/2013 UBND tỉnh lại có văn bản số 3258: Chấp thuận cho Cty SASCO tiếp tục thực hiện dự án.

Phát hiện ông Minh ký HĐ với nhiều hộ dân liên doanh trồng cao su, ngày 17/10/2013 ông Trần Văn Lộc (Phó Giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Bình Phước) chủ trì cuộc họp: “Giải quyết HĐ trồng cao su giữa Cty SASCO với ông Trần Tấn Minh và các hộ có liên quan”, đã thống nhất: Cty SASCO chi trả trực tiếp cho các hộ, rồi báo ông Minh biết để thanh lý HĐ với các hộ đã nhận tiền của Cty SASCO trong tháng 10/2013.

Tuy nhiên, sau buổi họp của sở, một số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ chăm sóc trồng cao su để bàn giao diện tích cho Cty SASCO. Còn một số hộ không bàn giao vì còn tranh chấp diện tích chăm sóc cao su, cũng như mức giá chưa thỏa đáng.

Trường hợp của ông Lý, chờ mãi không được bồi thường, ông Lý đến gõ cửa một số cơ quan thì được biết: Trong danh sách có tên 2 người là Nguyễn Thành Trung & Nguyễn Khánh Tùng là nhân viên Công ty TNHH MTV Phát Lộc (trụ sở tại phường Tân Bình, TX.Đồng Xoài , tỉnh Bình Phước ) - được Cty SASCO giao chăm sóc, quản lý... diện tích cao su thay ông Trần Tấn Minh, đã nhận khoảng 4 tỷ đồng tiền bồi thường khoảng 31 hecta cao su từ Cty SASCO. Mà đáng lẽ ông Lý được nhận một phần số tiền nói trên, bởi có khoảng 13 hecta nằm trong diện tích cao su do ông Lý chăm sóc.

Bình Phước: Khốn khổ vì dính tranh chấp hợp đồng miệng - Ảnh 2

Nguy cơ xô sát giữa các bên tranh chấp tại khu cao su.

Ngoài ra, ông Lý còn bị một số cá nhân tranh chấp diện tích trồng và chăm sóc cao su như ông Hoàng Văn Biên (ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú), và ông Nguyễn Hữu Hiền (người của Cty Phát Lộc), vì những lý lẽ khó tin.

Bởi theo ông Biên thì ông Minh có thỏa thuận miệng cho ông Biên chăm sóc cao su trên diện tích đã giao cho ông Lý? Còn ông Hiền cho rằng: Diện tích ông Lý đang chăm sóc cao su đã được SASCO ký HĐ cho Công ty Phát Lộc chăm sóc, quản lý...

Hợp đồng bằng miệng có giá trị?

Để rộng đường dư luận, Doanh Nhân & Pháp Luật trao đổi với Luật sư - Luật gia Nguyễn Hồng Cơ (Đoàn Luật sư TPHCM) về tình huống pháp lý này, được luật sư phân tích:

Thứ nhất, theo Bộ luật Dân sự thì ông Minh và ông Lý ký HĐ liên doanh trồng cao su là thật, công khai, nhiều người biết.

Thứ hai, tình tiết biên bản họp của Sở NN&PTNN tỉnh Bình Phước cho thấy tỉnh & Cty SASCO biết ông Minh HĐ cho nhiều hộ chăm sóc cao su. Như vậy, mặc nhiên HĐ của ông Lý và một số người dân được coi là bên thứ 3 tham gia vào dự án trồng cao su ngay tình.

Mà theo qui định của Bộ luật Dân sự, tại Điều 133: "Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình". Căn cứ ngay tình của ông Lý và một số bà con là có ký HĐ, có chăm sóc cao su đến nay được cạo mủ. Do đó không thể nói các HĐ này vô hiệu, SASCO không có trách nhiệm giải quyết (thực tế SASCO đã chi trả cho một số hộ).

Thứ ba, trường hợp ông Lý bị cá nhân tranh chấp bằng HĐ miệng trước đó với ông Minh, theo Luật sư Hồng Cơ: "Bao năm trồng, chăm sóc cao su non vất vả không ai tranh chấp, nay cao su được cạo mủ thì có người nhận đã hợp đồng miệng chăm cao su với ông Minh?".

Trường hợp này, ông Lý có quyền yêu cầu chính quyền xã nơi có diện tích cao su can thiệp, bảo vệ thành quả lao động của mình, đồng thời ông Lý chuẩn bị hồ sơ để tiếp kiện tại tòa án với cá nhân tranh chấp bằng HĐ miệng.

Tuy nhiên, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, tại điều 93 qui định về: "Chứng cứ" thì "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật...", vậy nên việc khởi kiện dựa vào chứng cứ là HĐ bằng miệng chưa chắc được tòa thụ lý, chứ đừng nói đến chuyện thắng kiện, bởi chứng cứ bằng miệng dễ ngụy tạo mà khó chứng minh...

Tin Cùng Chuyên Mục