Bộ Công thương: Kỳ vọng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc

Trung Hiếu

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, xuất nhập khẩu hàng hoá trong thời gian tới sẽ phải đối mặt khó khăn nhất định, nhiều tác động bên ngoài ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu sản xuất; chi phí vận chuyển, logistics tăng cao suốt 2 năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Nhiều tín hiệu tích cực trong quý I/2022

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng trưởng rất cao; riêng xuất khẩu đạt tăng trưởng 12,9%.

Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao khoảng 18-19%, trong đó có những mặt hàng đặc biệt như cà phê, gạo, thủy sản mức tăng trưởng còn cao hơn nữa từ 38% đến gần 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Công thương: Kỳ vọng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1

Ở trong nước, nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam... đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Bởi, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Đặc biệt, gần đây, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.

Không ít thách thức phía trước

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh cơ hội, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong thời gian tới cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Khó khăn lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của dịch COVID-19. Tại Việt Nam tác động đó đã giảm bớt, có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong vấn đề vận chuyển, logistics, 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại Trung Quốc, khi tình trạng dịch bệnh lan truyền có thể tại các cảng của Trung Quốc cũng sẽ bị ùn tắc, điều đó sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển, đẩy giá cước tiếp tục duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, những bất ổn xung đột giao tranh ở các nước khác cũng là điều đáng lưu tâm. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trên chưa phải là lớn song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón, các sản phẩm kim loại... Cuộc xung đột giao tranh giữa các nước sẽ tác động đến giá cả trên thị trường, dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu nói chung.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định: Xung đột giao tranh giữa các nước trên thế giới đặc biệt gây tác động đến mặt hàng nhiên liệu dầu thô, xăng dầu, đẩy giá dầu thô lên rất cao vì Nga là quốc gia cung cấp dầu thô, khí đốt hàng đầu thế giới. Điều đó tác động đối với chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên, gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, đồng thời gia tăng áp lực cho hoạt động sản xuất của Việt Nam. Tác động đặc biệt rõ ràng với những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...

“Có thể thấy hiện nay Việt Nam có thuận lợi lớn nhất là đã có giai đoạn thử thách, vượt qua được tác động của dịch bệnh. Việt Nam cũng có đà tăng trưởng xuất khẩu tốt duy trì qua nhiều năm. Thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, phải cùng nhau thực hiện khai thác, tận dụng tốt”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Cùng với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài...

Tin Cùng Chuyên Mục