Các "ông lớn" không chung tay giảm giá lợn thì "gậy ông đập lưng ông"

Hà Phương/VOV.VN

Theo Bộ NN-PTNT, giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg đã cho lãi lớn nên 17 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tới đây sẽ phải giảm giá lợn hơi...

Theo Bộ NN-PTNT, giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg đã cho lãi lớn nên 17 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tới đây sẽ phải giảm giá lợn hơn nữa để bảo vệ ngành chăn nuôi và thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp cần chung tay cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giảm giá thịt lợn xuống 70.000 đồng/kg. Đó là đề nghị của Bộ NNPTNT tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19” vừa qua.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, về giá thịt lợn, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng giá vẫn cao. Giá lợn cao không chỉ ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát, mà còn gây ra hệ lụy trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nguy cơ người tiêu dùng "quay lưng", người chăn nuôi vào đàn ồ ạt, dẫn đến mất kiểm soát về cung cầu.

Các

Giá bán lợn hơi ở mức 75.000 đồng/kg đã cho lãi lớn. (Ảnh minh họa)

Do đó, các doanh nghiệp lớn kịp thời chia sẻ với Chính phủ sẽ góp phần ổn định thị trường, ổn định kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Nếu các doanh nghiệp không đoàn kết giảm giá thịt lợn, Chính phủ sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Australia, Nga… thậm chí là nhập khẩu từ Lào, Campuchia.

"Tôi tin là một khi khuyến nghị, yêu cầu đúng thì các doanh nghiệp sẽ phải ủng hộ. Ủng hộ để bảo vệ phát triển thị trường lợn bền vững, đấy mới là cái quan trọng, các ông lớn mà không chung tay thì nay mai đánh mất thị trường thì hóa ra 'gậy ông đập lưng ông'. Tuy nhiên, chúng ta phải làm điều này ủng hộ, từ khâu bán thịt lợn hơi, cho đến khâu tiêu dùng còn qua các khâu trung gian thì khâu trung gian phải làm sao ít nhất, thì giá tiêu dùng ở mức phù hợp mới đến người dân" - Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Ông Kiều Đình Thép - đại diện Tập đoàn C.P Việt Nam cho hay, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp xuất bán 15.000-17.000 con lợn thương phẩm ra thị trường. Doanh nghiệp cũng đã đồng hành với Bộ khi đưa giá thịt lợn hơi xuống mức 74.000 - 75.000 đồng/kg. Đồng thời, tập đoàn cũng đang đầu tư chế biến sâu, cải thiện nâng cao hệ thống giết mổ... để hạn chế khâu trung gian, đưa thịt lợn tới tay người tiêu dùng sát với giá ở chuồng trại nhất.

"Thời gian xảy ra dịch Covid-19 này thì C.P cung cấp thịt ra thị trường vẫn ổn định, không gián đoạn, giá của C.P đã đồng hành cùng Chính phủ, với Bộ trong nhiều tháng nay. Lúc nào C.P cũng để giá thấp hơn thị trường, có những lúc 2.000 - 3.000 đồng, có lúc 10.000 đồng, bây giờ C.P chỉ bán với giá 74.000 - 75.000 đồng/kg" - ông Thép chia sẻ.

Các

Theo Bộ NN-PTNT, 17 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tới đây sẽ phải giảm giá lợn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vẫn tồn tại vấn đề là dù doanh nghiệp xuất bán lợn hơi quanh mốc 73.000 - 77.000 đồng/kg. Song, thương lái mua ra khỏi cổng trang trại có thể bán lại ngay với giá 85.000 đồng/kg, tức lãi tới 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm biện pháp giảm giá xuống. Còn việc đưa giá lợn về 70.000 đồng/kg, tất cả các cơ quan ban ngành phải vào cuộc, vì một mình doanh nghiệp thì không thể làm được. Bởi, ngoài doanh nghiệp, thịt lợn còn qua các khâu trung gian, siêu thị bán hàng...

Nếu chỉ có doanh nghiệp giảm mà các khâu khác không giảm thì người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt lợn với giá đắt đỏ. Do đó, các ngành chức năng cần đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thương lái lãi nhiều.

Tập quán của người Việt, trong rổ thức ăn thì đến 70% là thịt lợn. Hiện nay dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương đã được khống chế. Vì vậy, 17 doanh nghiệp lớn về thịt lợn cần thể hiện được vai trò dẫn dắt, cần đưa ra mức giá bán phù hợp để các doanh nghiệp nhỏ lẻ buộc phải theo. Làm được điều này chính là bảo đảm phát triển bền vững, không thể làm ăn kiểu chụp giật, hôm nay lãi nhiều thì ngày mai có thể mất thị trường./.

Tin Cùng Chuyên Mục