Cách mạng công nghiệp 4.0: Chuyển đổi vì một nền tảng tốt đẹp và thịnh vượng

Trịnh Hiền

Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Ceo Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam đã chia sẻ với DN & PL về vấn đề đang rất được quan tâm này!

Với tư cách là một nhà tư vấn tin cậy hàng đầu trên toàn cầu về công nghệ thông tin (CNTT), Microsoft đang nỗ lực thúc đẩy năng lực phát triển của ngành CNTT, nhằm tạo dựng một cuộc sống hiện đại, góp phần xây dựng một nền tảng quốc gia thịnh vượng.

Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Microsoft Việt Nam đã có những nỗ lực và đạt được thành tựu đáng kể nào? Mục tiêu và định hướng phát triển của Microsoft Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông? 

Để nắm bắt và hòa nhập thành công cùng cuộc CMCN 4.0, các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều phải chuyển đổi và cập nhật theo những mô hình và nhu cầu mới của xã hội ở những yếu tố chủ chốt: Trí tuệ nhân tạo (AI); Big Data – Siêu dữ liệu; An toàn an ninh mạng và Bảo vệ quyền riêng tư

22 năm đặt chân vào thị trường Việt Nam, nhiệm vụ mà Microsoft đặt ra là giúp người dân tận dụng triệt để các lợi ích mà CNTT có thể mang lại cũng như thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Mục tiêu hàng đầu của Microsoft Việt Nam là hỗ trợ thúc đẩy năng lực phát triển của ngành CNTT tại Việt Nam, thông qua những khoản đầu tư đáng kể vào các hoạt động đổi mới và giáo dục.

Là một nhà tư vấn tin cậy hàng đầu trên toàn cầu về CNTT, Microsoft đã vạch ra một kế hoạch chiến lược phù hợp với kế hoạch phát triển CNTT của Việt Nam đến năm 2020 dựa trên các lĩnh vực chính như Hạ tầng CNTT – An ninh mạng; Gia tăng năng suất và năng lực cạnh tranh cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục. Microsoft cùng mạng lưới hơn 500 đối tác rất tự hào đã trở thành là một phần quan trọng của ngành CNTT đi cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng.

Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển CNTT ở Việt Nam hiện nay? Microsoft đã có những đóng góp gì vào công cuộc phát triển nền CNTT tại quốc gia này?

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành trong việc thúc đẩy liên tục quá trình triển khai sử dụng khoa học công nghệ làm đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Chính phủ còn tạo điều kiện cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phát triển đất nước.

Microsoft tin rằng những xu hướng CNTT hiện đại, tiên tiến mà hãng đang và sẽ tiếp tục triển khai sẽ mang lại hiệu quả thực tiễn cho cuộc sống của người dân. Những hợp tác giữa Microsoft và Việt Nam trong giai đoạn chuyển mình nắm bắt cuộc CMCN thứ tư chắc chắn sẽ là những liên kết hiệu quả. Những dự án mà Microsoft đang tập trung thực hiện đều nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế, trao quyền cho thế hệ trẻ phát triển, giải quyết các thách thức xã hội và xây dựng các chính sách nền tảng cho đổi mới trong tương lai.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Chuyển đổi vì một nền tảng tốt đẹp và thịnh vượng - Ảnh 1
Ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam

Theo ông, cuộc CMCN 4.0 đang thay đổi thế giới như thế nào? Đứng trước đổi thay đó, doanh nghiệp (DN) Việt sẽ phải chuyển đổi mình như thế nào?

Khi thế giới chuyển mình, tiến vào cuộc CMCN 4.0, đồng nghĩa với việc toàn cầu sẽ đón nhận một hệ sinh thái CNTT đa dạng, phát triển mạnh và chuyển đổi nhanh chóng. Để nắm bắt và hòa nhập thành công cùng cuộc CMCN 4.0, các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đều phải chuyển đổi và cập nhật theo những mô hình và nhu cầu mới của xã hội ở những yếu tố chủ chốt như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Big Data – Siêu dữ liệu; An toàn an ninh mạng; Bảo vệ quyền riêng tư.

Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra từng ngày, từng giờ nhưng DN Việt Nam vẫn còn cách một khoảng khá xa. Ông nghĩ giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?

Bước vào cuộc CMCN 4.0, các quốc gia và DN đều phải chuyển đổi và cập nhật theo những mô hình và nhu cầu mới của xã hội, cả trên phương diện công nghệ, luật và nhân sự.

Chúng ta có ưu thế là có một hạ tầng CNTT khá mới mẻ, lực lượng nhân sự trẻ dồi dào và nhiệt huyết. Tuy nhiên, để nắm bắt mô hình mới và nhu cầu mới, đòi hỏi các DN và cả guồng máy phải có một sự chuẩn bị cả về tư duy mở và nhân sự phù hợp để đón nhận mô hình, phương thức vận hành và khai thác. Đồng thời, việc kiện toàn khung pháp lý để mô hình mới tồn tại và phát triển bền vững là yếu tố hết sức quan trọng. Không chỉ riêng Việt Nam, mà trên toàn cầu, tiêu biểu như Mỹ, hệ thống Luật CNTT cũng luôn được cập nhật và thay đổi để hòa nhập với xu hướng mới của thời đại.

Theo ông, các DN Việt cần làm gì để “đón sóng” CMCN 4.0? Là một công ty phần mềm và giải pháp hàng đầu thế giới, Microsoft Việt Nam đã có những hành động cụ thể nào để hỗ trợ DN Việt bắt kịp xu thế đó?

Chuyển đổi lên kỹ thuật số (Digital Transformation), tức là “đón sóng” CMCN 4.0, sẽ yêu cầu các DN và tổ chức chuyển đổi lên điện toán đám mây. Tại đây, các đơn vị sẽ khai thác siêu dữ liệu, sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)… để phục vụ kinh tế - xã hội và đời sống thường nhật của người dân theo cách hiệu quả nhất.

Sở hữu nguồn lực dồi dào cùng nhiều công trình nghiên cứu và phát minh công nghệ tiên phong giá trị, những giải pháp và dịch vụ mà Microsoft đã và đang tiếp tục tư vấn, cung cấp cho các quốc gia, giúp xây dựng, củng cố đồng thời đảm bảo an toàn theo cách toàn diện nhất cho mọi hệ thống CNTT của Chính phủ và DN, từ đó kiện toàn mạng lưới đô thị - nông thôn thông minh. Những hệ thống này sẽ mang lại lợi ích cho các DN và tổ chức, đồng thời tạo dựng một cuộc sống hiện đại và đơn giản hơn cho công dân trong mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hóa…

Cam kết lâu dài của Microsoft đối với tương lai của Việt Nam là hỗ trợ triển khai CNTT, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, khuyến khích sự sáng tạo và giúp đỡ người dân Việt Nam làm được nhiều hơn và đạt được kết quả cao hơn cho bản thân và cho đất nước.   

Tin Cùng Chuyên Mục