Cần hiểu rõ cơ chế sản phẩm để kiểm soát hiệu quả thuốc lá thế hệ mới

Phú Nhân

Việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, vẫn chưa có kết luận mặc dù Bộ Công Thương đã nhiều lần cho biết sẽ trình Chính phủ Nghị định 67 sửa đổi về kiểm soát thuốc lá.

Trong thời gian đó, tình trạng ngộ độc thuốc lá điện tử (TLĐT) chứa chất cấm từ thị trường chợ đen tăng cao với các triệu chứng như kích thích tăng cường ảo giác, suy tim, suy thận,… Điều này chứng tỏ cần có phương án kiểm soát phù hợp cho từng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Để đánh giá các sản phẩm này có phù hợp với định nghĩa và phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành hay không, chúng ta cần xem xét cấu tạo, cơ chế hoạt động của thuốc lá làm nóng (TLLN) và TLĐT.

TLLN có nguyên liệu thuốc lá nhưng TLĐT thì không

Một trong những cơ sở pháp lý phù hợp để quản lý TLTHM chính là xác định sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá theo định nghĩa của Luật PCTHTL.

Cơ chế hoạt động của TLLN và TLĐT là không trực tiếp đốt cháy sản phẩm như thuốc lá điếu mà dùng thiết bị điện tử để làm nóng hoặc hóa hơi nguyên liệu. Cấu tạo của TLLN bao gồm 3 phần: thiết bị làm nóng, tẩu thuốc và sản phẩm thuốc lá đặc chế được lấy từ sợi, gân, lá, thân… của cây thuốc lá và được làm nóng vừa đủ để giải phóng chất nicotine.

Đặc biệt, tẩu thuốc của TLLN chỉ hoạt động khi tiếp xúc với điếu thuốc lá đặc chế do nhà sản xuất cung cấp. Vì thế, TLLN sẽ không hoạt động nếu người dùng tự ý thêm các chất hay dung dịch khác vào sản phẩm.

Anh Quang Hữu* (TP Hồ Chí Minh), người đã sử dụng TLLN trong 5 năm qua chia sẻ, anh dùng thử vì thấy sản phẩm được phổ biến và cấp phép kinh doanh ở Nhật. Khác với thuốc lá điếu thông thường, TLLN ít ám mùi khói hơn và cũng giảm ho, khò khè. Tuy nhiên, anh chia sẻ thêm TLLN chỉ phù hợp với người đã hút thuốc lá điếu, vì không có và không thể trộn thêm các mùi hương hấp dẫn như TLĐT.

Loại sản phẩm TLĐT hệ thống mở dễ bị pha trộn chất cấm.
Loại sản phẩm TLĐT hệ thống mở dễ bị pha trộn chất cấm.

Còn TLĐT thì làm nóng tinh dầu có chứa hoặc không chứa nicotine. TLĐT được chia thành hai loại: hệ thống đóng (closed system) chỉ sử dụng dung dịch đóng gói sẵn từ nhà sản xuất, và hệ thống mở (open system) để người dùng có thể pha trộn dung dịch như thay đổi liều lượng nicotine, cho thêm chất tạo mùi. Do đó, nhiều người đã trục lợi bằng cách pha trộn chất cấm, chất kích thích, thậm chí là ma túy, dẫn đến các ca ngộ độc nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy tiêu cực.

TLLN đủ điều kiện để chịu sự quản lý của Luật PCTHTL

Chuyên gia cho rằng, sẽ không công bằng nếu xếp các sản phẩm chợ đen cùng với những sản phẩm đã được các cơ quan quốc tế thẩm định khoa học. Viện dẫn cho việc cấm TLTHM bằng những hệ lụy từ thị trường chợ đen, mà cụ thể hơn là do thiếu cơ chế quản lý và chậm trễ đưa ra phương án ứng xử từ bộ ngành, là điều không công bằng cho các sản phẩm đã được khoa học công nhận cũng như quyền được lựa chọn những sản phẩm giảm tác hại của người hút thuốc.

Trên thực tế, TLLN và TLĐT qua kiểm nghiệm khoa học đã được Chính phủ các nước chấp nhận như Mỹ, Nhật, Hàn, Anh, New Zealand…

Tại Nhật Bản, Chính phủ đã đưa ra chính sách quản lý dựa trên phân loại TLTHM. Bộ Tài chính xác định TLLN là sản phẩm thuốc lá vì có chứa nguyên liệu thuốc lá tự nhiên. Tuy nhiên, luật dành cho sản phẩm này được nới lỏng so với thuốc lá điếu nhằm khuyến khích người hút chuyển đổi sang TLLN.

Tại Trung Quốc, Chính phủ đưa ra chính sách ngăn chặn các mặt hàng TLTHM tiếp cận với giới trẻ, đồng thời quản lý TLĐT và TLLN theo hệ thống pháp luật hiện hành, bao gồm các quy định về độ tuổi của người mua, cấm bán hàng trên mạng.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bước đầu chú trọng hơn trong việc quản lý TLTHM. Bộ Công Thương cho biết sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 67 về quản lý thuốc lá. Mục tiêu đầu tiên chính là bổ sung vào định nghĩa của Luật PCTHTL hiện hành bao gồm những sản phẩm TLTHM cụ thể có chứa nguyên liệu thuốc lá như TLLN, để đưa vào quản lý theo Luật này.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định, Luật Đầu tư có các danh mục sản phẩm cấm và hàng hóa kinh doanh có điều kiện, trong khi thuốc lá là một trong những sản phẩm thuộc hình thức quản lý của Nhà nước là kinh doanh có điều kiện. Ông Hải cũng nhắc lại: “Vì vậy, cần phải sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, mà nhanh nhất là Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá, để đưa TLTHM vào quản lý ngay trong thời gian tới”.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Tin Cùng Chuyên Mục