Cần ‘liều thuốc’ nhân văn hơn cho người chưa thể cai thuốc lá

Công Hùng

Các chuyên gia cho rằng nên xem người nghiện thuốc lá như đang phải chịu đựng một căn bệnh mạn tính. Nếu họ chưa thể cai thuốc, thay vì chỉ có biện pháp là “cai thuốc lá hoặc là chết”, cần tìm kiếm “liều thuốc” nhân văn hơn, như các giải pháp giảm tác hại.

Những giải pháp này phải phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và sự hợp tác từ người hút thuốc để điều trị một cách ôn hòa, hiệu quả.

Hiểu rõ hút thuốc lá là cái chết dần dần, nhưng tỷ lệ cai thuốc vẫn thấp

“Có 90% người hút biết rõ tác hại của thuốc lá nhưng không bỏ được, một trong những lý do là nghiện nicotine và nghiện hành vi, thói quen hút thuốc”, ThS.BS Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV phân tích trong một tọa đàm về giải pháp giảm tác hại thuốc lá.

Theo đó, BS Phương liệt kê 3 yếu tố cản trở quá trình cai thuốc. Không chỉ nghiện nicotine, người hút thuốc còn nghiện tâm lý và nghiện thói quen. Việc thường xuyên sử dụng thuốc lá sau khi ăn, khi gặp bạn bè, khi thư giãn... dần sẽ trở thành thói quen. Những thói quen này dần hình thành phản xạ có điều kiện khó thay đổi như việc cầm, đốt, hút thuốc lá...

Đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong việc áp dụng các dược phẩm nicotine thay thế như nicotine dán, ngậm, xịt... Năm 1985, các dược phẩm này đã thông qua kiểm định FDA của Mỹ và được lưu hành rộng rãi trên thị trường. Song, tỷ lệ cai thuốc lá vẫn không có sự biến chuyển như mong đợi.

Đánh giá về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, việc truyền thông đơn thuần về tác hại của thuốc lá hiện đã cũ và không thực sự có hiệu quả. Do đó, cần có biện pháp về kiểm soát, kinh tế cũng như giải pháp về các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn cho nhóm người chưa cai được thuốc lá.

Tại một hội thảo về thuốc lá mới, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam nhấn mạnh, ngành Y tế cũng thừa nhận rằng cai thuốc lá là chuyện không dễ dàng, dù thuốc lá điếu là vô cùng độc hại. Không phủ nhận việc các sản phẩm trên vẫn chứa nicotine, nhưng theo Đại biểu Quốc hội Phong Lan phân tích, giữa những cái xấu thì nên chọn cái ít xấu nhất.

Đề xuất xem chứng nghiện thuốc lá như bệnh mạn tính

Từ góc độ y học, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, trong phương pháp điều trị bệnh, việc tư vấn cai thuốc lá hoặc cung cấp giải pháp giảm tác hại thuốc lá cho người bệnh là yếu tố then chốt, cần sự phối hợp từ gia đình, từ cộng đồng, cơ quan quản lý và ngành Y tế.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc. (Ảnh: C.H)
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc. (Ảnh: C.H)

PGS Ngọc cũng chỉ ra rằng, trong y khoa hay cuộc sống, cách tiếp cận giảm tác hại gần như được áp dụng đối với mọi loại bệnh, không phải chỉ liên quan tới COPD, tim mạch hay ung thư phổi. Giảm tác hại dĩ nhiên là vẫn chưa triệt tiêu được hết các yếu tố gây hại, nhưng trong trường hợp bắt buộc, cần áp dụng để cung cấp giải pháp thay thế.

Theo PGS Ngọc, biện pháp nhân văn là cần có lộ trình để những người hút thuốc chuyển dần sang những sản phẩm thay thế giảm tác hại hơn. “Nếu sản phẩm thuốc lá làm nóng có thể giảm tác hại mà chúng ta không có để tư vấn cho bệnh nhân thì đó là lỗi của người thầy thuốc”, PGS Ngọc nhận xét.

Tương tự, theo cập nhật từ TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” ngày 19/10 vừa qua, đã có sự cởi mở trong nhận thức ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới về chứng nghiện thuốc lá, xem hội chứng này như một căn bệnh mạn tính cần chữa trị phù hợp. Sự thay đổi trong nhận thức này sẽ dẫn đến sự thay đổi trong các hành động khác.

TS Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: C.H)
TS Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: C.H)

Cũng tại Tọa đàm trên, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ, tại Việt Nam, thuốc lá mới vẫn chưa được hợp pháp hóa, có mặt trên thị trường thông qua nhập lậu. Các tội phạm buôn lậu nhắm vào giới trẻ bằng những sản phẩm có kiểu dáng, hương liệu hấp dẫn, tạo ra bao hệ lụy, gây hiểu nhầm về thông tin khoa học của các sản phẩm này. Qua đó, ông Hạ nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật cho công tác quản lý để bảo vệ giới trẻ.

Phân tích Quyết định 568/QĐ-TTg 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2023, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Có thể thấy tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan nhưng yêu cầu có những biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo người dùng tiếp cận hàng chất lượng, không thất thu ngân sách của Nhà nước, quản lý thị trường và bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Tiếp lời ông Kiên, ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cấp cao Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ tham vấn, cần tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế và trong nước trước khi ban hành chính sách quản lý thuốc lá mới.

Ông Thảo đề xuất: “Thuốc lá mới tác hại như thế nào đến người sử dụng, đến thế hệ trẻ thì cần phải bàn, đánh giá có chiều sâu và thực tế hơn. Cần có những nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực hoặc chiến lược này”.

Tin Cùng Chuyên Mục