Cần truy nguyên nhân mỏ cát trên sông Tiền được định giá hơn 7 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp sẵn sàng trả giá trăm tỷ, nghìn tỷ

Minh Khang

Tài sản đấu giá có giá khởi điểm hơn 7 tỷ. Nhưng sau 200 “vòng đấu”, con số cuối cùng được chốt lại là hơn 2.800 tỷ đồng, nghĩa là gấp gần 400 lần giá khởi điểm.

Tài sản đấu giá có giá khởi điểm hơn 7 tỷ. Nhưng sau 200 “vòng đấu”, con số cuối cùng được chốt lại là hơn 2.800 tỷ đồng, nghĩa là gấp gần 400 lần giá khởi điểm.

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh An Giang thông báo kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 ở sông Tiền. Giá khởi điểm mỏ cát này là 7,2 tỷ đồng. Đơn vị chấp nhận chi 2.811 tỷ đồng để giành quyền khai thác mỏ cát này là một doanh nghiệp đến từ Quận 7, TP HCM.

Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ.
Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ.

Bản thân Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cũng bất ngờ với kết quả giật mình này. Mỏ cát có trữ lượng 2,4 triệu m3; nếu nhân với giá cát như hiện nay khoảng 90.000 đồng/m3; thậm chí kể cả trường hợp cát qua sàng lọc chế biến kỹ lưỡng dùng cho những đơn hàng đặc biệt có giá tới 300.000 đồng/m3; thì thu cũng không đủ bù chi.

Vậy có hay không khả năng cát bồi lắng thêm trong vài năm tới và giá cát sẽ cao gấp hàng chục lần so với hiện nay? Chuyên gia cho biết cát ở khu vực thượng nguồn có thể tăng thêm tại mỏ, còn những mỏ hạ nguồn như trường hợp này thì phải chờ rất lâu. Hơn nữa số năm khai thác cát được giới hạn, không cho kéo dài, chỉ trong 12 năm.

Báo chí cũng đã phỏng vấn một số doanh nghiệp khác tham gia cuộc đấu giá được cho là “có một không hai” ở miền Tây này. Mỏ cát có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng được đấu giá gần 200 vòng. Vài chục vòng đầu, 16 doanh nghiệp đã lần lượt bỏ cuộc khi số tiền lên đến khoảng 600 tỷ đồng.

Chủ một doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá cho biết ông theo đến trên 100 vòng đấu và ra giá 1.440 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp còn lại tăng giá tiếp tục nên ông “đầu hàng”.

Hai công ty loại được ông đấu tiếp, đấu không dừng. Cuối cùng, công ty ở quận 7 TP HCM đã loại bỏ 18 đối thủ để làm “bá chủ võ lâm”. “Tôi với doanh nghiệp xếp thứ 2 mà theo nữa chắc giá lên đến 5.000 tỷ đồng”, ông này nói.

Vị này cũng cho rằng mỏ cát trên nếu doanh nghiệp có sẵn bãi tập kết vật tư, không phải đầu tư thêm sà lan để khai thác và có công nghệ sàng cát kỹ thuật cao thì ra giá 600 tỷ vẫn lấy được.

Mâu thuẫn đến đây xảy ra. Vậy vì sao ông vẫn “đu” đến mức giá 1440 tỷ? Ông này cho rằng "ráng đu theo nhằm thăm dò năng lực của đối thủ” và “ví dụ chúng tôi lấy được, thì lỗ 100-200 tỷ cũng không sao”.

Còn có một khả năng khác xảy ra, là nếu công ty chốt giá hơn 2800 tỷ “bỏ của chạy lấy người”, thì chỉ mất 1,4 tỷ tiền kỹ quỹ, và doanh nghiệp ra giá thấp hơn kế tiếp sẽ trúng thầu.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem doanh nghiệp ra giá thấp hơn tiếp theo có quan hệ gì với đơn vị vừa trúng đấu giá hay không. “Quân xanh quân đỏ” sẽ ra giá cao chót vót để trúng thầu rồi bỏ, đơn vị ra giá thấp tiếp theo khi đó sẽ được đôn lên.

Mục đích của đơn vị ra giá số tiền “khủng” nêu trên là gì, đến nay chưa rõ. Nhưng có một điều không thể chối cãi, là giá trị của mỏ cát đã được cơ quan chức năng An Giang định giá ban đầu quá thấp, chỉ 7,2 tỷ đồng. Và nếu giá trúng đấu giá gần với giá khởi điểm thì không loại trừ khả năng ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát rất lớn từ việc định giá này.

Vẫn biết cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có lãi, nhưng không thể đưa ra một cái giá quá bèo bọt như vậy so với mức giá thị trường ít nhất là nhiều trăm tỷ đồng.

Vì năng lực của các cán bộ chuyên môn chỉ ngồi bàn giấy nên không nắm được thị trường, vì bất cập của quy định pháp luật trong định giá hay còn có động cơ lợi ích nhóm nào khác khi ra giá “bèo” với mỏ cát này? Thiết nghĩ đó cũng là điều cơ quan chức năng An Giang cần làm rõ.

Tin Cùng Chuyên Mục