Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc

Hải Đăng (Theo Banknotes)

Khi nói đến công nghệ thương mại, Trung Quốc đang ở trong thế giới đổi mới của riêng mình—một thế giới mà phần lớn phương Tây thậm chí còn chưa bắt kịp.

Thương mại điện tử hiện là ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đô la ở Trung Quốc. Hơn một nửa số giao dịch Thương mại điện tử trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc.

Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc - Ảnh 1

Trong khi đó, vào năm 2021, Mỹ đạt doanh thu thương mại điện tử trị giá 870 tỷ USD. Canada đạt hơn 53 tỷ USD.

Bên cạnh dân số hơn một tỷ người, đổi mới công nghệ của Trung Quốc là lý do hàng đầu giúp nước này giành vị trí dẫn đầu thương mại toàn cầu. Nhiều nền tảng thương mại và truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới đều bắt đầu ở Trung Quốc, sau đó mới phát triển sang phương Tây.

Ví dụ phổ biến nhất là TikTok.

TikTok, hay còn gọi là Douyin, đã có hàng trăm triệu người dùng ở Trung Quốc trước khi ra mắt ở Mỹ và Canada.

Không quá khi nói rằng chúng ta có thể nhìn thẳng vào Trung Quốc để dự đoán các xu hướng trong tương lai.

Thương mại xã hội

Thương mại xã hội ở Trung Quốc được xây dựng chủ yếu trên Alibaba và Tencent. Alibaba là một công ty làm mọi thứ trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc, tương tự Amazon của Mỹ. Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến là một công ty đa phương tiện cung cấp nền tảng thương mại xã hội cho những người sáng tạo trên khắp thế giới.

Cùng với nhau, hai công ty này đã hợp nhất phương tiện truyền thông xã hội, khám phá sản phẩm và thanh toán kỹ thuật số thành một trải nghiệm mượt mà duy nhất và chiếm 90% tổng số Thương mại điện tử ở Trung Quốc.

Theo Alessandro Bogliari, người sáng lập The Influencer Marketing Factory, hai lý do chính khiến Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại xã hội là sự thành công của các Siêu ứng dụng (tức là ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ) và sự phổ biến của phát trực tiếp (livestreaming).

Một con số đáng kinh ngạc là 78% người trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc sử dụng siêu ứng dụng WeChat. “Trên WeChat, bạn có thể làm mọi thứ. “Bạn có thể theo dõi những người nổi tiếng. Bạn có thể gửi tiền đến Pháp, bạn có thể tương tác với mọi người và bạn cũng có thể mua đồ. Bạn thậm chí có thể thanh toán hóa đơn qua WeChat. Ở các quốc gia khác, bạn phải chuyển qua các ứng dụng khác nhau để hoàn thành các chức năng khác nhau này”, Bogliari cho biết.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, xu hướng livestreaming từ những người có ảnh hưởng đóng một vai trò rất lớn trong thương mại xã hội ở Trung Quốc. Trong các nền tảng thương mại xã hội chính của Trung Quốc, việc mua các mặt hàng trong quá trình phát trực tiếp ngay trên nền tảng này cực kỳ dễ dàng. Không có gì lạ khi người dùng có thể làm mọi thứ từ một màn hình chính.

Trong khi đó, hiện không có Siêu ứng dụng nào khác có thể so sánh được với WeChat của Trung Quốc.

Thương mại tương tác (icommerce)

Thương mại tương tác sử dụng công nghệ như thực tế tăng cường (AR) để mang đến cho người mua sắm trực tuyến trải nghiệm giống như trong cửa hàng. Nó cũng hoạt động ngược lại bằng cách cung cấp cho người mua sắm tại cửa hàng thông tin nâng cao hơn - chẳng hạn như sử dụng màn hình AR trực tiếp để cho người mua hàng thấy những bộ trang phục khác nhau từ các thương hiệu khác nhau trông như thế nào khi họ mặc lên người.

Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc - Ảnh 2

Các công ty Trung Quốc như Pinduoduo đang từ bỏ mô hình thương mại điện tử theo mô hình cũ và chuyển sang thương mại điện tử tương tác. Mục tiêu của Pinduoduo là tạo ra một khu chợ ảo. Chỉ bằng thao tác lướt ngón tay, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để khám phá các mặt hàng được cá nhân hóa, chia sẻ sản phẩm với bạn bè và thậm chí đổi phần thưởng để mời các bạn bè mua sắm với họ.

Ở Trung Quốc, AR phổ biến đến mức thậm chí còn vượt xa sự phát triển của thực tế ảo. Trong khi đó, theo TechCrunch, các công ty như Apple và Meta đã không có đủ sự cởi mở cho các ứng dụng của bên thứ ba, buộc người dùng phải dựa vào những gì mà các nền tảng chính chọn cung cấp.

Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc - Ảnh 3

Thương mại phát trực tiếp (livestreaming)

Vào năm 2020, Viya, một người có ảnh hưởng (influencer) nổi tiếng ở Trung Quốc, đã phát trực tiếp trên Taobao với 149 triệu khán giả trong một sự kiện mua sắm kéo dài hai ngày. Màn livestream này đã tạo ra doanh thu xấp xỉ 719 triệu USD.

Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc - Ảnh 4

Sự kiện này thể hiện sức mạnh của thương mại xã hội ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng trên mạng xã hội vào năm 2022 dự kiến tăng hơn 33% so với năm trước đó, lên 363 tỷ USD.

Livestream là một phần mở rộng của hoạt động mua sắm mang tính xã hội và tương tác hơn. Khoảng 20% tổng doanh số thương mại điện tử của Trung Quốc được thực hiện theo cách này. Và xu hướng có thể đang lan truyền về phương Tây.

Trong tất cả những khác biệt về công nghệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, phát trực tiếp có thể là khoảng cách lớn nhất. Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2023, thị trường này trị giá 500 tỷ USD ở Trung Quốc, nhưng chỉ vỏn vẹn 25 tỷ USD ở Mỹ.

Những người có ảnh hưởng (influencer) ảo

Cô gái Luo Tianyi, mặc váy xanh và cài nơ trắng trên tóc, có 5 triệu người theo dõi trên Weibo. Cô dẫn chương trình livestream mua sắm trên Taobao. Cô thậm chí còn livestream trong buổi hòa nhạc cùng Lang Lang, nghệ sĩ piano nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Nhưng vấn đề ở đây là: Luo Tianyi không có thật.

Câu chuyện kinh doanh: Bí kíp làm giàu từ thương mại điện tử của Trung Quốc - Ảnh 5

Luo Tianyi là một influencer ảo, thuộc sở hữu của công ty Shanghai Henian Technology. Công nghệ này tiên tiến đến mức, ranh giới giữa những influencer ảo và thực bị xóa mờ. Hãy xem Ayayi, một influence ảo siêu thực tế. Mặc dù cô ấy trông hoàn toàn có thật, giống như Tianyi, nhưng cô ấy là sản phẩm công nghệ của một thương hiệu.

Tiếp cận thị trường trị giá 960 triệu USD ở Trung Quốc vào năm 2021, các influencer ảo cho thấy hiệu quả không kém người thật. Họ cũng mang lại lợi thế cho những thương hiệu muốn sở hữu hoàn toàn quyền sở hữu đối với một influencer. Trong một phiên livestream, người phát trực tiếp sẽ nhận khoản hoa hồng khoảng 5-25% trên tổng giá trị hàng hóa được bán ra phiên đó. Với một influencer ảo thành công, phép toán có lợi cho các thương hiệu.

Phygital - Thực ảo song hành

Bước vào cửa hàng, lấy một sản phẩm và rời đi. Hành vi tưởng như trộm cắp giờ đây lại trở thành mô hình kinh doanh của các cửa hàng Amazon Go. Đó là kết quả của sự tích hợp physical (vật lý) và digital (kỹ thuật số) để tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch.

Nhưng điều gì làm nên sự khác biệt của phygital với đa kênh?

Đó là một xu hướng đã được hình thành trong một thời gian. Bất kể kết thúc ở đâu, hầu hết các giao dịch mua hàng hiện nay đều bắt đầu từ trực tuyến. Tại Trung Quốc, một số nhà hàng KFC cho phép khách hàng hoàn tất thanh toán bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt do AI điều khiển.

Bán lẻ Phygital là một cách tiếp cận có sức hút ở phương Tây. Tại các cửa hàng của Rebecca Minkoff, khách hàng có thể tiếp cận “gương” màn hình cảm ứng để xem những gì có sẵn trên eBay.

Khi các không gian bán lẻ cạnh tranh với nhau để giảm ma sát mua hàng và tăng sự tiện lợi, họ có thể học hỏi từ những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi thực tế tăng cường và AI đang biến bán lẻ phygital thành hiện thực.

Bạn đã sẵn sàng để chơi trò đuổi bắt với Thương mại điện tử Trung Quốc?

Nhìn ở khía cạnh tích cực, phần còn lại của thế giới rất may mắn khi Trung Quốc đã chứng minh tính hiệu quả của những xu hướng này, và chúng ta có thể học hỏi từ chúng. Giờ là lúc đầu tư cho tương lai.

Tin Cùng Chuyên Mục