Câu chuyện kinh doanh Kasikorn Bank (KBank): Từ ngân hàng 'Nông dân Thái Lan' đến kế hoạch tỷ USD vào thị trường Việt Nam

Linh Bùi

Khoản đầu tư 1,1 tỷ USD của KBank sẽ được phân bổ cho các thành viên, gồm chi nhánh KBank tại TP.HCM 735 triệu USD, công ty công nghệ Kasikorn (KBTG) Việt Nam 7 triệu USD và quỹ KVision 336 triệu USD. 

Ngày 25/8/2023, tại trụ sở Kasikorn Bank (KBank) ở Bangkok, Chủ tịch của Kasikorn Bank - ông Pipit Aneaknithi cho biết KBank sẽ tăng ngân sách đầu tư gần 1,1 tỷ USD, đồng thời mở rộng quy mô nhân sự và đẩy mạnh ngân hàng số K Plus cho hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027.

Khoản đầu tư 1,1 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các thành viên, gồm chi nhánh KBank tại TP.HCM 735 triệu USD, công ty công nghệ Kasikorn (KBTG) Việt Nam 7 triệu USD và quỹ KVision 336 triệu USD. 

Vậy nhưng Kasikorn Bank là ngân hàng lớn mạnh như thế nào và 'đặt chân' tới Việt Nam từ bao giờ thì không phải ai cũng biết.

Liên tục phát triển và đổi mới trong gần 80 năm

Kasikornbank (KBank) được biết đến là ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan xét theo tổng tài sản, với 122,9 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Ngân hàng được thành lập năm 1945 với tên gọi ngân hàng Nông dân Thái Lan (Thai Farmers Bank), bởi doanh nhân người gốc Hoa Choti Lamsam. Ở thời kỳ đầu, Kasikorn Bank chú trọng phát triển dịch vụ tài chính cho nông dân - chiếm phần lớn dân số Thái Lan. Sáng kiến này giúp nền kinh tế phát triển bất kể thời kỳ khó khăn trong Thế chiến. 

Kasikorn Bank từ những ngày đầu thành lập
Kasikorn Bank từ những ngày đầu thành lập

Trong giai đoạn 1967 - 1982, Kasikorn Bank tăng trưởng ổn định với nhiều chi nhánh mới được thành lập tại Thái Lan và nước ngoài. Dần dà, KBank trở thành doanh nghiệp và quận kinh doanh tài chính lớn nhất Bangkok.

Kasikorn Bank áp dụng phương châm “Luôn hướng tới dịch vụ hoàn hảo”, thể hiện rõ tinh thần và tư duy thống nhất về việc phục vụ khách hàng ở mọi cấp độ. Tại thời kỳ này, ngân hàng đã thành lập 186 chi nhánh ngân hàng mới trên toàn quốc cũng như chi nhánh đầu tiên ra nước ngoài tại London. 

Bước sang giai đoạn 20 năm sau đó, để thích ứng với các thay đổi về chính sách toàn cầu hóa, Kasikorn Bank đã khởi xướng và phát triển nhiều sáng kiến vượt bậc. Đơn cử như chiến lược “Tái cấu trúc” nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ tiện lợi và nhanh chóng. 

Trải qua nhiều thăng trầm của hiện tượng bong bóng và kinh tế vào năm 1997, nhờ áp dụng biện pháp và chính sách khả thi, Kasikorn Bank đã vượt qua khủng hoảng. Qua đó, nhà băng này đã xác định sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, đồng thời tạo dựng được chỗ đứng trong ngành ngân hàng. 

Kasikorn Bank trải qua nhiều thăng trầm vẫn vững mạnh.
Kasikorn Bank trải qua nhiều thăng trầm vẫn vững mạnh.

Trong nhiều năm hoạt động, ngân hàng cũng liên tục được công nhận với các giải thưởng danh giá như Ngân hàng của năm 2021 (Bank of the Year 2021) bình chọn bởi tạp chí Money & Banking hay bảy năm liên tiếp đứng vị trí số 1 trong danh sách các Nhà đầu tư trái phiếu nội tệ của châu Á (Top 1 Investment Houses in Asian Local Currency Bond).

Kế thừa những điểm mạnh và độ tín nhiệm của khách hàng trong suốt 78 năm hoạt động, ông Pipit Aneaknithi  - Chủ tịch của KBank đương nhiệm đưa ra các biện pháp chiến lược tăng trưởng kinh doanh bền vững cùng với hơn 19.000 nhân sự. 

Gia nhập thị trường Việt Nam

Sau khi được bổ nhiệm chức vụ vào năm 2017, ông Pipit Aneaknithi đã cho mở rộng kinh doanh KBank ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam. KBank được cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại TP HCM ngày 12/11/2021 và chi nhánh đã được khai trương vào tháng 8/2022.

KBank bước vào Việt Nam bằng thế kiềng 3 chân: ngân hàng - công nghệ - đầu tư. Đây vốn là công thức họ đã làm ở quê nhà. 

Câu chuyện kinh doanh Kasikorn Bank (KBank): Từ ngân hàng 'Nông dân Thái Lan' đến kế hoạch tỷ USD vào thị trường Việt Nam - Ảnh 1

Đáng chú ý, vào tháng 6/2023, KBank nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng vốn cốt lõi cho hoạt động kinh doanh từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD, trở thành ngân hàng nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam.

Theo ông Pipit Aneaknithi, Việt Nam được xem là trọng điểm phát triển của khu vực Đông Nam Á của nhà băng. Với mong muốn mở rộng hoạt động tại thị trường Việt trong thời gian tới, tháng 8/2023, hãng Reuters đưa tin, Kasikornbank đang tìm cơ hội đàm phán để mua lại Home Credit Việt Nam với thỏa thuận lên tới 1 tỷ USD. 

Một nguồn tin thân cận của KBank tiết lộ, phía ngân hàng hiện cung ứng và vận hành giải pháp KBank Biz Loan - một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Thỏa thuận tiềm năng với Home Credit sẽ cho phép ngân hàng thúc đẩy các khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ.

Câu chuyện kinh doanh Kasikorn Bank (KBank): Từ ngân hàng 'Nông dân Thái Lan' đến kế hoạch tỷ USD vào thị trường Việt Nam - Ảnh 2

Qua tìm hiểu, Home Credit Vietnam là công ty tài chính tiêu dùng thuộc sở hữu của tổ chức tài chính phi ngân hàng Home Credit Group có trụ sở tại Hà Lan. Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2008 và hiện đang có 9.000 điểm cung cấp dịch vụ với 6.000 nhân viên và 12 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (F88) đã ký kết hợp tác chiến lược với KBank chi nhánh TP.HCM để phân phối dịch vụ tài chính đến người dân. Theo đó, hai bên tận dụng các lợi thế của nhau để cung cấp dịch vụ tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ tại thị trường Việt với lãi suất ưu đãi bằng cả hai kênh trực tuyến (online) và trực tiếp (offline).

Tin Cùng Chuyên Mục