Cho vay tiêu dùng - chiếc phao của các công ty công nghệ Trung Quốc

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online

Tận dụng các lợi thế như lượng người dùng khổng lồ cùng mạng lưới phân phối rộng lớn, các ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc đang đua nhau tiến vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng để tạo nguồn doanh thu và lợi nhuận mới khi tăng trưởng của các mảng kinh doanh cốt lõi của họ chậm lại.

Gia nhập cuộc chơi

Khi nhấp chuột (click) vào các ứng dụng phổ dụng hiện nay nhất của Trung Quốc, người sử dụng sẽ thấy ngập tràn quảng cáo dịch vụ cho vay tiêu dùng của hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ Trung Quốc như Công ty công nghệ Meituan Dianping, hãng gọi xe Didi Chuxing, hãng tìm kiếm Baidu, hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi hay Công ty thương mại điện tử JD.com...

Cho vay tiêu dùng gần đây đã trở thành mảng kinh doanh lớn mà các công ty công nghệ và Internet khổng lồ của Trung Quốc nhắm đến khi họ tìm cách tận dụng nền tảng khách hàng khổng lồ của mình để tạo thêm nguồn doanh thu và lợi nhuận giữa lục tăng trưởng ở các mảng kinh doanh cốt lõi của họ chậm lại.

Logo của Xiaomi bên ngoài trụ sở của hãng này ở Bắc Kinh. Xiaomi đang tiến sâu vào mảng dịch vụ tài chính để cạnh tranh với Tencent và Ant Group. 
Logo của Xiaomi bên ngoài trụ sở của hãng này ở Bắc Kinh. Xiaomi đang tiến sâu vào mảng dịch vụ tài chính để cạnh tranh với Tencent và Ant Group. 

Nắm trong tay hàng trăm triệu người dùng, các ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc hy vọng họ có thể sao chép thành công của ngân hàng trực tuyến WeBank của Tencent hay ngân hàng trực tuyến MYBank của Ant Group, công ty dịch vụ tài chính liên kết của Tập đoàn Alibaba.

Meituan Dianping có 448,6 triệu người thường xuyên giao dịch trên các ứng dụng của công ty này. Trong khi đó, JD.com nắm trong tay 362 triệu người dùng thường xuyên. Xiaomi có 309,6 triệu người dùng hệ điều hành MIUI do hãng này phát triển.

Những người dùng này cung cấp một lượng thông tin đồ sộ mà dựa vào đó, các công ty công nghệ có thể đánh giá khả năng thanh toán nợ của họ.

Qihoo 360 Technology, công ty an ninh mạng hàng đầu Trung Quốc, là một trong những công ty công nghệ gia nhập sớm nhất vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Năm 2016, công ty 360 Finance, công ty thành viên của Qihoo 360 Technology, giới thiệu dịch vụ cho vay tiêu dùng 360 IOU, cho phép khách hàng vay trực tuyến đến 200.000 nhân tệ và trả góp với mức lãi suất tính theo ngày.

Meituan Dianping, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, đã mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực như đặt tour du lịch trực tuyến, bán lẻ thực phẩm, dùng chung xe đạp. Công ty này bắt đầu cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng lên đến 200.000 nhân dân tệ/khách hàng vào năm 2018.

Qihoo 360 Technology, công ty an ninh mạng hàng đầu Trung Quốc, là một trong những công ty công nghệ gia nhập sớm nhất vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Ảnh: Capital Watch
Qihoo 360 Technology, công ty an ninh mạng hàng đầu Trung Quốc, là một trong những công ty công nghệ gia nhập sớm nhất vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Ảnh: Capital Watch

Hồi tháng 5 năm nay, Meituan Dianping cho ra mắt dịch vụ tín dụng vi mô, cho phép khách hàng vay những khoản tiền nhỏ để thanh toán dịch vụ giao đồ ăn hay đặt phòng trên ứng ứng của công ty này. JD Digits, công ty công nghệ tài chính của JD.com, cũng có dịch vụ tương tự, cho phép khách hàng vay tiền để thanh toán hàng hóa đặt mua trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của JD.com.

Bắt đầu từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc xem sáng kiến phát triển dịch vụ tài chính trực tuyến ở các công ty công nghệ nổi tiếng để phục vụ những người dân bị hạn chế tiếp cận dịch vụ ngân hàng là một chiến lược quốc gia.

Trước đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cổ xúy dịch vụ cho vay ngang hàng, khiến thị trường này phát triển mất kiểm soát, dẫn đến các vụ bê bối và gian lận, khiến Bắc Kinh phải ra tay thanh lọc vào năm 2017. Một số nền tảng cho vay ngân hàng sóng sốt qua chiến dịch ‘dọn dẹp’ của Bắc Kinh chuyển thành các công ty cho vay tiêu dùng và tín dụng vi mô.

Khác với các nền tảng cho vay ngân hàng, các công ty công nghệ nắm rõ thông tin và dữ liệu của người dùng của họ chẳng hạn thói quen mua sắm, thói quen chi tiêu và tiêu chuẩn tín dụng của họ.

“Mức độ số hóa cao của nền kinh tế Trung Quốc và thị trường thương mại khổng lồ của nước này cung cấp một lượng dữ liệu khổng lồ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghệ tài chính tiêu dùng. Chẳng hạn, giải pháp phân tích dữ liệu hoặc các chương trình trí tuệ nhân tạo có thể thẩm định tình trạng tài chính của khách vay chỉ trong vài giây, cho phép phê duyệt các khoản vay ngay lập tức”, các nhà phân tích của của S&P Global Ratings nhận định trong một báo cáo vào năm ngoái.

Ant Group và Tencent dựa vào thông tin khổng lồ của người dùng để phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng. Chẳng hạn, Tencent chấm điểm tín dụng của người dùng dựa vào lịch sử thanh toán của họ qua ứng dụng thanh toán trực tuyến và di động WeChatPay. Những người dùng có điểm số tín dụng tốt có thể hưởng các đặc quyền “dùng trước, trả sau”, thuê xe đạp dùng chung không cần đặt cọc...Hệ thống chấm điểm tín dụng của Tencent được hỗ trợ bởi hơn 1.000 dịch vụ, từ đặt phòng khách sạn cho đến mua hàng hóa từ siêu thị.

Hợp tác với các ngân hàng

Ban đầu, một số công ty công nghệ Trung Quốc hợp tác với ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng và hưởng hoa hồng. Ngân hàng chỉ cung cấp tiền, còn phía các công ty công nghệ sẽ đảm nhận quảng cáo dịch vụ, quản lý rủi ro, thẩm định điểm tín dụng của khách hàng. Phía ngân hàng gần như không chịu bất kỳ rủi ro nào vì các công ty công nghệ phải duy trì một quỹ bảo vệ rủi ro để bồi thường cho ngân hàng bất cứ thua lỗ nào nảy sinh từ các khoản nợ xấu.

Tuy nhiên, khi các quy định quản lý được siết chặt và các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh, họ sử dụng nguồn tiền của họ nhiều hơn để cho vay hoặc buộc ngân hàng phải chia sẻ rủi ro và rủi nhuận nếu hợp tác.

Đây là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Các công ty công nghệ có hàng triệu người dùng và nắm rõ thông tin chi tiêu về thói quen chi tiêu và điểm tín dụng của họ cũng như các kênh phân phối hiệu quả. Nhưng họ thường thiếu nguồn vốn hoặc thiếu các giấy phép cần thiết từ các cơ quan quản lý.

Trong khi đó, các ngân hàng vừa và nhỏ nắm nhiều tiền nhưng thường thiếu năng lực công nghệ, năng lực sáng tạo và mạng lưới phân phối để mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh dịch vụ tiêu dùng và bảo hiểm, Xiaomi cũng đang hợp tác với các ngân hàng để cung cấp tín dụng cho các cửa hàng bán lẻ smartphone độc lập ở các thị trấn nhỏ trên khắp Trung Quốc. Ban đầu, nhiều ngân hàng từ chối hợp tác với Xiaomi vì lo ngại rủi ro của các khoản vay không có thế chấp.

Hong Feng, Chủ tịch Xiaomi Finance, công ty tài chính của Xiaomi, cho biết để giải quyết mối lo ngại này, công ty ông đã cho cài đặt cảm biến ở các ngăn tủ của các nhà bán lẻ, nơi họ cất giữ điện thoại thông minh, cho phép Xiaomi theo dõi và giám sát có bao nhiêu điện thoại đã được bán. Sau đó, Xiaomi cung cấp dữ liệu cho các ngân hàng để họ thẩm định hồ sơ rủi ro của các nhà bán lẻ.

Năm ngoái, Xiaomi cho ra mắt ứng dụng cho vay trực tuyến Mi Credit tại Ấn Độ để cung cấp cho người dùng các khoản vay từ 5.000 - 100.000 rupee (khoảng 66 - 1.331 USD) với lãi suất thấp.

Tiềm năng lợi nhuận lớn trong dài hạn

Ant Group và Tencent đã chứng minh được rằng về dài hạn, dịch vụ tài chính nhắm đến người tiêu dùng có thể mang lại lợi nhuận cao. Nhưng những công ty công nghệ như Xiaomi, JD.com và Didi Chuxing vẫn còn là các tay chơi tương đối mới và phải mất chi phí lớn khi họ đầu tư để mở rộng kinh doanh giữa lúc doanh thu và lợi nhuận còn thấp.

Tỷ trọng đóng góp của mảng tài chính ở các công ty công nghệ đối với hoạt động kinh doanh tổng thể của họ còn khá nhỏ. Vào cuối tháng 3, 360 Finance có dư nợ cho vay chỉ 73,2 tỉ nhân dân tệ. Trong khi đó, con số này ở Xiaomi Finance Meituan Dianping và Didi Finance lần lượt là 30 tỉ và 60 tỉ và 50 tỉ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy mảng cho vay tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận khả quan cho các công ty công nghệ. Năm ngoái, 360 Finance, ghi nhận lợi nhuận ròng 2,8 tỉ nhân dân tệ trên tổng doang thu 9,2 tỉ nhân dân tệ. Doanh thu của công ty này chủ yếu đến từ dịch vụ cho vay tiêu dùng 360 IOU.

Dù cho vay tiêu dùng và tín dụng vi mô đang bùng nổ, ngày càng khó để tiến vào thị trường dich vụ tài chính ở Trung Quốc vì các nhà quản lý đang siết chặt việc cấp phép khi Bắc Kinh nỗ lực kiểm soát nợ xấu và các rủi ro trong hệ thống tài chính.

Các công ty công nghệ muốn sử dụng nguồn tiền nội bộ của họ để cho vay tiêu dùng cần phải có giấy phép của cơ quan quản lý tài chính tại thành phố hoặc tỉnh mà họ đặt trụ sở.

Công ty công nghệ Bytedance, chủ sở hữu ứng dụng tạo và chia sẻ video Douyin đang có 400 triệu người dùng ở Trung Quốc, vẫn chưa xin được giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính. Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo vẫn đang tìm cách xin cấp giấp phép kinh doanh dịch vụ tín dụng vi mô.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục