Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) sắp được "rót vốn" thêm 10.000 tỷ đồng

Lam Linh

Ngày 22/11, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, theo tờ trình ngày 10/11, HĐQT TCBS đã có báo cáo về việc thay đổi phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty. HĐQT đánh giá việc triển khai phương án chào bán chưa thực sự mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông và Công ty. Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn về vốn, Công ty trình cổ đông về việc dừng triển khai phương án chào bán đã được thông qua trước đó.

Thay vào đó, TCBS sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ 105 triệu cp cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã CK: TCB), mệnh giá 10.000 đồng/cp. Giá chào bán dự kiến 95.600 đồng/cp. Số tiền thu được từ đợt chào bán hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Mục đích của đợt chào bán là duy trì vị thế của Công ty trong các mảng cốt lõi gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư và quản lý tài sản. Đợt tăng vốn cũng nhằm đáp ứng kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng thị phần và số lượng khách hàng; nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ của Công ty thời gian tới. TCBS cũng tăng vốn nhằm đẩy mạnh hơn các mảng tự doanh cổ phiếu và trái phiếu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công nghệ và khoa học dữ liệu.

Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng lên mức hơn 2,1 ngàn tỷ đồng.

Ngày 25/11, TCB sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về việc mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của TCBS. Tính đến ngày 30/09/2022, TCB sở hữu 88.8% vốn của TCBS, tỷ lệ này dự kiến tăng lên mức 94,2% nếu Ngân hàng tham gia đợt chào bán kể trên.

Ngoài ra, TCBS cũng đề xuất phê duyệt cấp quyền mua cổ phần cho các cán bộ quản lý cấp cao và thông qua kế hoạch cháo bán riêng lẻ cho cán bộ quản lý cấp cao của Công ty, giai đoạn 2023-2033.

Đồng thời, vì không dùng 112,3 tỷ đồng của quỹ dự trữ bổ sung điều lệ và 112,3 tỷ đồng của quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ để bổ sung vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nên TCBS đề xuất chuyển số tiền từ hai quỹ này vào lợi nhuận chưa phân phối, tổng cộng gần 225 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu TCBS đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh sản phẩm đầu tư mang lại doanh thu cao nhất cho TCBS, đạt 2.939 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ với 2.738 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm.

Trong quý 3, TCBS đã phân phối 5.747 tỷ đồng chứng chỉ quỹ mở iFund, tăng 36% so với quý 3 năm 2021. Riêng quỹ mở trái phiếu TCBF, TCBS đã phân phối xấp xỉ 5.600 tỷ đồng, tăng 45%. Tại ngày 30/9/2022, tổng giá trị tài sản của quỹ trái phiếu TCBF là khoảng 20.000 tỷ đồng.

TCBF hiện là quỹ mở nội địa lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, trên 80% danh mục của Quỹ TCBF gồm các trái phiếu đại chúng niêm yết thuộc các tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam. Gần 20% tài sản còn lại của Quỹ là các chứng chỉ tiền gửi và tiết kiệm có thanh khoản dồi dào. Lãi trái tức của các trái phiếu trong danh mục này đều là thả nổi, được điều chỉnh định kỳ dựa trên lãi suất tiết kiệm trung bình của bốn ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, cộng thêm biên độ khoảng 4-5%/năm. Vì vậy, với việc lãi suất ngân hàng tăng cùng các chương trình khuyến khích nắm giữ dài hạn hiện có, thì lợi nhuận kỳ vọng sẽ tăng tương ứng.

TCBS đang giữ vị trí Top 2 về mảng cho vay ký quỹ trên thị trường với dư nợ cho vay margin cuối quý 3 đạt 14.907 tỷ đồng. Từ nhiều năm, TCBS có chủ trương không tự doanh cổ phiếu niêm yết trên sàn. Vì vậy, kết quả lợi nhuận không bị ảnh hưởng do đầu tư tự doanh khi thị trường chứng khoán giảm điểm.

Tin Cùng Chuyên Mục