Công ty của bầu Đức lỗ lớn nhất kể từ khi hoạt động

Quỳnh Chi

Lỗ kỷ lục năm qua đã nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 của Hoàng Anh Gia Lai lên mức 5.086 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020, với doanh thu gần 914 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng tới gần 78% so với cùng kỳ năm 2019, lên tới 1.082 tỷ đồng nên con số lỗ gộp lên tới 168 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính mang về gần 784 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,5 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ lãi từ thanh lý các khoản đầu tư. Trong khi đó, chi phí hoạt động này giảm mạnh từ 942 tỷ đồng xuống 503 tỷ đồng do không còn lỗ từ việc thanh lý khoản đầu tư.

Tuy nhiên, chiếc “phao cứu sinh” này không đủ giúp Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi một quý “bết bát” do chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dự phòng) tiếp tục bị đội lên gấp gần 3 lần, vào khoảng 984 tỷ đồng và lỗ khác cũng tăng đáng kể từ 475 tỷ đồng lên gần 653 tỷ đồng.

Kết thúc quý IV, công ty ghi nhận khoản lỗ lên đến gần 1.526 tỷ đồng trong khi trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 1.174 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất mà doanh nghiệp của bầu Đức từng ghi nhận trong 1 quý kể từ khi lên sàn năm 2008.

Công ty của bầu Đức lỗ lớn nhất kể từ khi hoạt động - Ảnh 1

Lỗ kỷ lục trong quý IV tiếp tục đào sâu khoản lỗ ròng cả năm 2020 của Hoàng Anh Gia Lai lên con số 2.175 tỷ đồng và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi hoạt động.

Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 1.201 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 190 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến hết 31/12/2020 tiếp tục bị đẩy lên mức 5.086 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2020, Hoàng Anh Gia Lai còn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính (âm vốn lưu động ròng) khi nợ ngắn hạn lên đến 15.097 tỷ đồng, vượt gần 5.000 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn.

Kết quả này chủ yếu đến từ sự gia tăng đột biến hơn 4.700 tỷ đồng của khoản nợ vay tài chính ngắn hạn lên mức 8.456 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay tài chính dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai được tiết giảm 1.300 tỷ đồng so với đầu kỳ, xuống 9.646 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp của bầu Đức còn vay nợ lên đến hơn 18.100 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng tài sản.

Kết quả này có phần mâu thuẫn với tuyên bố đã bước ra khỏi “vũng lầy nợ nần” của ông Đoàn Nguyên Đức. 

Kể từ năm 2021, kết quả hoạt động của tập đoàn bầu Đức cũng sẽ thay đổi lớn vì không còn hợp nhất Hoàng Anh Gia Lai Agrico sau khi doanh nghiệp này trở thành công ty con của Thaco. Công ty nông nghiệp này trước đó chiếm tới hơn 80% doanh thu hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai.

Ban lãnh đạo tập đoàn này kỳ vọng, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị, các khoản dự phòng được trích lập trong báo cáo năm 2020 có thể được hoàn nhập sẽ dần dần giúp tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh hơn.

Tin Cùng Chuyên Mục