Covid-19 có "giúp" robot cướp việc làm của con người?

Theo The Economist, sự “xâm lăng” của robot sẽ không diễn ra ngay lập tức nhưng chúng đang ngấm ngầm thay thế các công việc chân tay trên thị trường lao động.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các chủ doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn rạch ròi: hoặc đảm bảo an toàn cho nhân công, hoặc đóng cửa nhà máy. Một số ít doanh nghiệp thậm chí còn có cách thứ ba: sa thải hết nhân viên và thay bằng tự động hóa. 

Điều này làm dấy lên một nỗi sợ nữa trong cuộc khủng hoảng Covid-19, chính là máy móc sẽ phát triển vượt bậc và xóa sổ hàng triệu việc làm. Chẳng hạn như ở Mỹ, tốc độ tự động hóa đang gia tăng đáng kể trong ngành kho vận. Nhưng xét về tổng thể, chuyện robot thay thế hàng loạt người lao động vẫn còn là một viễn cảnh xa vời.

Dịch Covid-19 làm dấy lên nỗi sợ máy móc sẽ đe dọa hàng triệu việc làm. Ảnh: The Economist
Dịch Covid-19 làm dấy lên nỗi sợ máy móc sẽ đe dọa hàng triệu việc làm. Ảnh: The Economist

Tự động hóa - xu thế tất yếu của tương lai

Thế giới từng trải qua nhiều cơn hoảng loạn về sức mạnh khó lường của robot. Từ đầu thập niên 2010, sự cải tiến vượt bậc về máy móc hay trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến nhiều người cảm thấy bất an cho “miếng cơm manh áo” của mình. Tỷ lệ thất nghiệp cao sau khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009 càng khiến thị trường việc làm trở nên khan hiếm hơn. 

Ngoài ra, các chuyên gia Nir Jaimovich từ Đại học Zurich và Henry Siu từ Đại học British Columbia cho rằng, chủ doanh nghiệp ngày càng có xu hướng sa thải nhân công khi làm ăn sa sút. Hệ quả là sức bật của thị trường lao động đang dần yếu đi trong nhiều thập kỷ gần đây. Trong bối cảnh đó, kịch bản đẩy nhanh tự động hóa để thay thế con người là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chiến lược ứng phó với Covid-19 của các doanh nghiệp cũng thúc đẩy tự động hóa. Nhiều cơ quan đã áp dụng phần mềm công nghệ tiện lợi, thay thế cho công việc giấy tờ vì các nhân viên phải cách ly xã hội. Trong khi đó, ở những nơi mà lượng khách hàng tăng đột biến (chẳng hạn như bệnh viện), họ đang phải lệ thuộc nhiều vào chatbot để hỗ trợ nhân viên. Còn trong những ngành có nguy cơ lây nhiễm cao như giết mổ thịt, nhu cầu ứng dụng máy móc thay thế con người cũng tăng lên.

Mặt khác, xu hướng làm việc từ xa cũng có tác động lâu dài đối với thị trường lao động. Đại dịch Covid-19 đã “vô tình” thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả ngành giáo dục hay chăm sóc sức khỏe - vốn cần nhiều nhân công.

Hiện giờ, việc chuẩn đoán bệnh từ xa có thể giúp một bác sĩ tư vấn được cho nhiều bệnh nhân hơn. Học online sẽ giúp cho giảng viên truyền đạt tới đông đảo sinh viên cùng lúc.

Vậy ai sẽ là những người chịu thiệt hại nặng nhất? Chính là những người lao động chân tay như bảo vệ, lao công. Công việc của họ trở nên rất bấp bênh, vì khách hàng chọn dùng dịch vụ online thay vì đến cơ sở vật lý như trước. 

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm tác giả David Autor và Elisabeth Reynolds từ Viện Công nghệ Massachusetts đã cảnh báo nguy cơ thất nghiệp đối với lao động chân tay sau dịch Covid-19. Nếu xu hướng làm việc từ xa tiếp tục kéo dài thì nhân viên chạy bàn, tài xế taxi hay người dọn vệ sinh sẽ gặp khó khăn lớn. Đó là vì khách hàng của họ không còn xuất hiện thường xuyên nữa.

Tự động hóa sẽ diễn ra từ từ thay vì ồ ạt

Dù sao, máy móc vẫn chưa đủ thông minh để thay thế khối óc hay bàn tay của con người. Kể cả với những nghề không đòi hỏi bằng cấp cao thì những ràng buộc tinh vi về mặt xã hội vẫn giúp cho người lao động trụ vững. Chẳng hạn như chúng ta không thể cho máy móc vận hành hoàn toàn nhà hàng, quán bar hoặc là thay thế thợ cắt tóc, làm nail - dù họ đặc biệt dễ tổn thương trước Covid-19. 

Ở New York, hàng ngàn tài xế phương tiện công cộng bị nhiễm virus và hàng chục người trong số họ đã tử vong. Tuy nhiên, các loại xe tự hành vẫn chưa được đưa vào cuộc sống thực thay cho các bác tài. Máy móc đến giờ vẫn “chào thua”, không thể điều khiển tàu xe len qua các tuyến đường đông đúc và hỗn loạn.

Xe tự lái chưa thể đưa vào cuộc sống thực, phần nào cho thấy hạn chế của công nghệ hiện nay. Ảnh: Shutterstock
Xe tự lái chưa thể đưa vào cuộc sống thực, phần nào cho thấy hạn chế của công nghệ hiện nay. Ảnh: Shutterstock

Mặt khác, tự động hóa chỉ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng. Nếu nhân viên có thể làm việc từ xa trong dài hạn, họ sẽ giúp công ty cắt giảm nhiều chi phí vận hành. Họ cũng có thể chuyển về ngoại ô sinh sống và chấp thuận mức lương rẻ hơn trong lúc kinh tế suy thoái. 

Đáng chú ý, nếu tiền lương nhân công giảm xuống thì doanh nghiệp có thể sẽ muốn trì hoãn tự động hóa. Bởi việc phát triển và thử nghiệm công nghệ mới đòi hỏi nguồn tài chính rất dồi dào. Còn nếu “hầu bao” đang bị o ép, doanh nghiệp sẽ muốn tận dụng nguồn lao động giá rẻ hơn là đầu tư vào trang thiết bị hiện đại.

Một ví dụ cụ thể là những lò giết mổ động vật tại Mỹ, họ đang sử dụng một lượng lớn người nhập cư không có giấy tờ. Chính vì vậy, xí nghiệp ở Mỹ không có nhu cầu bức thiết phải sử dụng máy móc hiện đại như ở Bắc Âu.

Tuy nhiên, nếu chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn hay tiền lương tối thiểu của người lao động tăng lên, thì quá trình tự động hóa buộc phải tiến hành nhanh hơn để tiết kiệm chi phí.

Tóm lại, tự động hóa sẽ phụ thuộc nhiều vào các tác động kinh tế - xã hội thay vì chỉ là sự tiến bộ đơn thuần về mặt khoa học. Và dịch Covid-19 với sức ảnh hưởng cực lớn, cũng chính là một đòn bẩy buộc doanh nghiệp phải suy xét nhiều hơn về áp dụng công nghệ thay thế con người.

Tin Cùng Chuyên Mục