"Cuộc chiến ngầm" giữa Warren Buffett và BlackRock, quỹ quản lý tài sản quyền lực nhất nước Mỹ

Thu Hằng

Rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng với cách làm của Berkshire, mặc dù trong số đó có nhiều người là fan hâm mộ của Warren Buffett và cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trong cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway diễn ra hôm thứ Bảy vừa qua, BlackRock, quỹ quản lý tài sản quyền lực của Mỹ đã bỏ hai phiếu đề xuất dành cho cổ đông lớn yêu cầu tập đoàn công bố phương thức quản lý rủi ro khí hậu và nỗ lực đa dạng lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù có một phần tư phiếu bầu ủng hộ đề xuất đến từ BlackRock nhưng cuối cùng, phía Berkshire vẫn quyết định bác bỏ yêu cầu từ quỹ quản lý tài sản trên. 

Động thái này của BlackRock một lần nữa cho thấy sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa nhà đầu tư, những người ủng hộ sự minh bạch về các vấn đề ESG và đội ngũ quản lý doanh nghiệp Berkshire và Warren Buffett, những người muốn bảo vệ các chính sách hiện tại của công ty.

“Berkshire đang tỏ ra không thích ứng được với một thế giới mà các cân nhắc về môi trường, xã hội, quản trị đang trở nên quan trọng hơn nhiều so với hiệu suất”, BlackRock viết trong một bản tin về quyết định của Berkshire.

Warren Buffett đã phản đối hai đề xuất của cổ đông và cho rằng nó đi ngược lại khái niệm tự chủ mà công ty xây dựng. Ảnh: Bloomberg News
Warren Buffett đã phản đối hai đề xuất của cổ đông và cho rằng nó đi ngược lại khái niệm tự chủ mà công ty xây dựng. Ảnh: Bloomberg News

ESG (Environmental, Social and Governance) là một thuật ngữ và khái niệm được đề xuất lần đầu vào tháng 6/2004, trong hoạt động “Who Cares Wins” được tổ chức bởi UN Global Compact (Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc). Không giống như trước đây, các công ty thường chỉ đánh giá hiệu quả tài chính. Các nguyên tắc của ESG nhấn mạnh rằng các công ty nên kết hợp môi trường, xã hội và quản trị vào hoạt động cũng như các quyết định đầu tư.

Đại diện của quỹ quản lý tài sản trị giá 9 nghìn tỷ USD cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ các đề xuất do cổ đông đóng góp về các vấn đề ESG.

BlackRock không đơn độc trong cuộc chiến ngầm với Berkshire. Rất nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra không hài lòng với cách làm của công ty, mặc dù trong số đó có nhiều người là fan hâm mộ của Warren Buffett và cũng là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Meyer Shields, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Keefe, Bruyette & Woods có trụ sở tại New York, cho biết kết quả của cuộc họp hôm thứ Bảy đã đánh dấu “sự bất đồng ngày càng gia tăng” giữa các cổ đông và Berkshire. 

Nhiều nhà đầu tư lớn như công ty quản lý đầu tư Neuberger Berman ủng hộ yêu cầu tập đoàn của tỷ phú Buffett tiết lộ thêm thông tin. Công ty cũng đã bỏ phiếu chống lại một số giám đốc của Berkshire và cho rằng hội đồng quản trị của tập đoàn không đủ độc lập.

Ngoài các phiếu đề xuất dành cho cổ đông lớn, BlackRock cũng bỏ phiếu chống lại việc bầu lại hai giám đốc của Berkshire. Đại diện BlackRock cho biết, Berkshire không có tương tác đủ với các cổ đông, cũng không có kế hoạch thích hợp để giải quyết các rủi ro khí hậu và thiếu một người đứng đầu hội đồng quản trị độc lập.

Trước đó, CEO của Berkshire, ông Buffett, đã từng chỉ trích các thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Gần đây nhất, trong lá thư thường niên gửi cổ đông vào năm 2020, Buffett cho biết các thành viên hội đồng quản trị độc lập được trả hàng trăm nghìn USD chỉ cho một vài ngày làm việc mỗi năm. Ông nói rằng họ không đóng góp nhiều cho tương lai của công ty và chỉ làm theo những gì lãnh đạo muốn.

Cơ cấu cổ phiếu kép của Berkshire khiến nhiều cổ đông có ít quyền biểu quyết so với những người trong công ty. Ông Buffett kiểm soát khoảng một phần ba quyền biểu quyết tại Berkshire.

Chính vì vậy cho đến nay, các nhà điều hành Berkshire đã bác bỏ các phiếu bầu của các nhà đầu tư.

“Rất nhiều người bỏ tiền mua Berkshire bằng tiền của họ đã bỏ phiếu chống lại những phiếu bầu đề xuất đó. Hầu hết ý kiến đồng tình đến từ những người chưa bao giờ bỏ một xu tiền của mình vào Berkshire", CEO Berkshire phát biểu trong cuộc họp hôm thứ Bảy.

Ông cho biết việc bắt số lượng khổng lồ các công ty thuộc đế chế Berkshire điền vào một bảng câu hỏi chỉ vì một số tổ chức bên ngoài yêu cầu thật là “ngớ ngẩn". Nó cũng đi ngược lại khái niệm về quyền tự chủ mà công ty đã xây dựng. Công ty cũng đã nói rõ với các cổ đông rằng họ thừa nhận rằng việc quản lý rủi ro khí hậu và đa dạng lực lượng lao động là những yếu tố quan trọng đối với sự thành công của công ty.

Một nguồn thông tin khác cho hay, hàng loạt nhà đầu tư cá nhân là fan hâm mộ của nhà đầu tư huyền thoại Buffett đã bỏ phiếu đồng thuận với các khuyến nghị của Berkshire. Đối với Berkshire, đội quân cá nhân này là một lực lượng mạnh mẽ chống lại các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều khả năng khi tỷ phú 90 tuổi này từ bỏ quyền lãnh đạo Berkshire, cục diện sẽ thay đổi.

Ông Shields nói: “Tôi không nghĩ rằng người kế nhiệm của ông ấy sẽ có năng lực để làm được điều tương tự. Nếu ngày càng ít nhà đầu tư cá nhân gắn bó với cổ phiếu khi ông Buffett từ chức, Berkshire sẽ khó từ chối yêu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp”.

Berkshire đã chọn Greg Abel, phó chủ tịch Berkshire, đảm nhận vị trí giám đốc điều hành khi ông Buffett nghỉ hưu. Nhiều cổ đông lâu năm cũng ủng hộ quyết định này.

Tin Cùng Chuyên Mục