Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) muốn nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng

Linh Anh

Công ty CII muốn sử dụng 22.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, 53.000 tỷ đồng còn lại hầu hết rót vào các BOT mở rộng đường.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã ck: CII) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 19/9 tới tại TP HCM.

Trong tài liệu họp thường niên mới công bố, CII cho biết, đối với định hướng đầu tư trong giai đoạn 2024-2030, Công ty xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực sẽ ưu tiên.

Đầu tư 6 dự án BOT quy mô 75.000 tỷ đồng

Theo đó, CII đang đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các dự án thu phí đường bộ (BOT) và các dự án hạ tầng giao thông khác. 

Cụ thể, CII dự kiến triển khai công tác nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng, bao gồm Cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với mức đầu tư 22.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, CII sở hữu 89%. Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

CII muốn nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng
CII muốn nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng vốn đầu tư lên tới 75.000 tỷ đồng

Tiếp đến là dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP HCM (quận 12, Tân Bình, Hóc Môn) với hơn 19.000 tỷ đồng. Theo sau là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (Bình Chánh) với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ khác là nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) với hơn 10.100 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại có vốn đầu tư khoảng 6.600 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng đều ở huyện Bình Chánh. Lần lượt là dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Theo ban lãnh đạo CII, điểm chung của 6 dự án BOT kể trên là "giải quyết ách tắc giao thông một cách tổng thể". Công ty muốn các dự án phải có quy mô đủ lớn và có khả năng kết nối trực tiếp, xuyên suốt với các tuyến cửa ngõ, tuyến liên kết vùng và các đầu mối kinh tế lớn để tránh nguy cơ "di dời điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác".

Trong tương lai, công ty xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên với nhiều cơ hội.

Lấn sân sang mảng y tế, bất động sản hưu trí

Bên cạnh lĩnh vực hạ tầng giao thông truyền thống, CII còn lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực y tế theo hai hướng Hạ tầng y tế và Bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.

Với hạ tầng y tế, CII đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TPHCM để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như: hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế tại các khu vực cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến đường cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực nội thành.

Đối với bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, CII hướng đến đối tượng là tệp người trung niên, sắp về hưu, gia đình có người cao tuổi. CII sẽ cung cấp không gian xanh rộng lớn, khí hậu trong lành, đầy đủ tiện ích và dịch vụ y tế.

Tin Cùng Chuyên Mục