Đèo Cả (HHV) 'nặng nợ': Thế chấp ngân hàng bằng quyền thu phí dự án BOT thậm chí cả... cà vẹt xe ô tô

Quỳnh Chi

Tổng quy mô vay và nợ thuê tài chính của đại gia BOT đạt hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm 73% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này. Trong đó, cá biệt có khoản vay và nợ thuê tài chính với riêng chi nhánh một ngân hàng là hơn 19.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã CK: HHV) vừa ghi nhận một quý kinh doanh đột biến với lợi nhuận theo quý cao nhất từ khi niêm yết. Tuy nhiên, những con số trên báo cáo cũng tiết lộ về tình trạng vay nợ cũng đột biến không kém.

Đèo Cả (HHV) 'nặng nợ': Thế chấp ngân hàng bằng quyền thu phí dự án BOT thậm chí cả... cà vẹt xe ô tô - Ảnh 1

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2023, HHV ghi nhận doanh thu thuần hơn 612 tỷ đồng, tăng 24%. Sau khi khấu trừ giá vốn, Doanh nghiệp báo lãi gộp 287 tỷ đồng, tăng 11%. Biên lãi gộp đạt 47%. Doanh thu từ các trạm thu phí BOT chiếm chủ yếu với gần 405 tỷ đồng, kế đến là từ hoạt động xây lắp hơn 191 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng 13%, lên 176 tỷ đồng, với lãi vay chiếm phần lớn. Dù vậy, việc tiết giảm các chi phí khác, như chi phí quản lý, giúp doanh nghiệp lãi ròng quý 2 gần 95 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi ròng cao kỷ lục của Đèo Cả từ trước đến nay.

Năm 2023, HHV đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.478 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 339 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 14% so với thực hiện 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đèo Cả đã hoàn thành được 47% chỉ tiêu tổng doanh thu và 57% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Dù kết quả kinh doanh cao, những con số trên báo cáo tài chính lại cho thấy một thực trạng "đáng báo động khác" về gánh nặng tài chính.

Nợ phải trả của Đèo Cả ghi nhận hơn 27.500 tỷ đồng tới cuối quý II, tăng so với đầu năm. Tính tới cuối quý II, tổng vay và nợ thuê tài chính của Đèo Cả ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm 73% tổng nợ phải trả và hơn gấp đôi so với quy mô vốn chủ sở hữu công ty.

Trong số này, chỉ riêng chi nhánh Hà Nội một ngân hàng đã tài trợ cho Đèo Cả hơn 19.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn 3-5 năm. Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, tổng hạn mức của nhà băng này cấp cho Đèo Cả là hơn 22.000 tỷ đồng, với nhiều hợp đồng vay có thời hạn dài từ 15 đến 26 năm.

Các hợp đồng vay của Đèo Cả với các ngân hàng được đảm bảo chủ yếu bằng quyền thu phí các dự án BOT, ngoài ra còn có phần vốn góp, quyền sử dụng nhà, thậm chí cả cà vẹt xe ôtô.

Đèo Cả (HHV) 'nặng nợ': Thế chấp ngân hàng bằng quyền thu phí dự án BOT thậm chí cả... cà vẹt xe ô tô - Ảnh 2

Đèo Cả được đánh giá là  doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư hạ tầng giao thông, được mệnh danh “ông trùm” khoan hầm Việt Nam. Những dự án làm nên thương hiệu của Đèo Cả có thể kể đến như: Hầm đường bộ Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân) có tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; dự án hầm Cù Mông; hầm Hải Vân (giai đoạn 2); hầm Cổ Mã; hầm Phước Tượng – Phú Gia,…

Doanh nghiệp này còn mở rộng xây dựng các tuyến cao tốc với hàng loạt công trình trọng điểm như: Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Hồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng,…

Cuối quý 2, quy mô tài sản doanh nghiệp này đạt hơn 36.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so đầu năm. Trong đó, HHV nắm giữ 392 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, phần lớn là tiền gửi ngân hàng với 216 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn không biến động với gần 456 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho hơn 213 tỷ đồng, tăng 33% so đầu năm. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 33 tỷ đồng, tăng 139%.

Tin Cùng Chuyên Mục