ĐHCĐ Tập đoàn Hà Đô: Đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, đẩy mạnh chiến lược M&A năm 2023

Phong Vân

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã CK: HDG) đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 3.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 971 tỷ đồng, giảm lần lượt 9,94% và 28,7% so với năm 2022.

Quý I ước đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2022 ngày 22/4, ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc HDG chia sẻ, tính đến hết quý 1/2023, HDG đạt doanh thu 976 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng theo chia sẻ từ lãnh đạo HDG, mảng năng lượng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh doanh của Công ty trong năm 2023 với gần 70%, bất động sản chỉ chiếm khoảng 30%.

ĐHCĐ Tập đoàn Hà Đô: Đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, đẩy mạnh chiến lược M&A năm 2023 - Ảnh 1

Về định hướng kinh doanh, đối với lĩnh vực bất động sản, năm 2023, Công ty đẩy mạnh hoá giải các tồn tại thủ tục pháp lý tại các dự án, phát triển mạnh các dự án mới chống đứt gãy chuỗi sản phẩm và việc làm. Tập trung nghiên cứu các vùng có định hướng phát triển của Hà Nội và TP. HCM với mục tiêu dự kiến phát triển thành công tối thiểu 2 dự án.

Theo nhận định của Ban lãnh đạo Tập đoàn, phải đến cuối năm 2023 và sang đầu năm 2024, pháp lý các dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới được khơi thông, Tập đoàn mới có thể hoàn thiện đầu tư và khai thác các dự án tại 30 Tạ Quang Bửu, CC3 Dịch Vọng.... Đồng thời, trong năm 2023, Tập đoàn cũng sẽ đẩy mạnh M&A các dự án bất động sản, đầu tư dự án năng lượng mới để tạo đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với lĩnh vực năng lượng, tập trung công tác bổ sung quy hoạch và chuẩn bị đầu tư cho các dự án điện gió, đặc biệt là các dự án EaHleo, Phước Hữu… để sớm có dự án mới được triển khai. Dành nguồn lực ưu tiên tìm kiếm phát triển thêm các năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh như Ninh Thuận, Đắk Lắk, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa. Bên cạnh đó, HDG cũng nghiên cứu thực hiện M&A một số dự án năng lượng trong năm 2023, nếu thấy phù hợp.

Theo ông Nguyễn Trọng Minh, Phó tổng HDG, Công ty vẫn ưu tiên nhắm đến các dự án năng lượng chưa phát triển để khi vào Công ty có thể chủ động xây dựng, điều hành theo định hướng của Công ty thì sẽ hiệu quả hơn.

Năm 2022 là một năm khó khăn với thị trường bất động sản khi thị trường giao dịch trầm lắng, ùn tắc pháp lý và tín dụng bị siết chặt. Vì vậy, trong năm 2022, Tập đoàn chưa triển khai đầu tư được các dự án hiện hữu, chủ động lùi thời điểm mở bán quỹ căn còn lại của dự án Hado Charm Villas (Hà Nội) đến thời điểm thích hợp nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Các dự án năng lượng trong danh mục đầu tư mới vẫn đang chờ đợi việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII và khung giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo.

Cũng trong năm 2022, HDG đã hoàn thành được một số mục tiêu quan trọng: đẩy nhanh tiến độ bàn giao các sản phẩm của dự án Hado Charm Villas, hoàn thành tổ máy 3 và khánh thành nhà máy thủy điện ĐăkMi 2, đưa vào vận hành đủ công suất 462MW của các dự án năng lượng đã phát triển, trong đó có 314MW thủy điện và 148MW điện gió, điện mặt trời.

Năm 2022, Tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 3.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.361 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Công ty. Trong đó, hai lĩnh vực trọng điểm là bất động sản và năng lượng đạt doanh thu lần lượt 1.112 tỷ đồng và 2.115 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lần lượt 31,05% và 59,06% trong cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn.

Trả cổ tức 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%

Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn vốn lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2022. Thời gian thực hiện sau khi được sự phê duyệt của ĐHĐCĐ và UBCKNN.

Sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến giảm về 20% vốn điều lệ. Ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp, xây dựng phương án trả cổ tức chi tiết dựa trên kết quả kinh doanh thực tế cả Công ty tại thời điểm chi trả.

Đại hội thông qua việc tiếp tục triển khai chương trình chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2023, chương trình đã được phê duyệt ngày 4/11/2021, nhưng do HĐQT chưa lựa chọn được thời điểm phù hợp để triển khai việc phát hành cổ phiếu trong năm 2022.

Theo kế hoạch, Công ty sẽ chào bán cổ phiếu ESOP theo tỷ lệ tối đa không vượt quá 1% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

Đối tượng phát hành là thành viên HĐQT, ban Tổng giám đốc và các cán bộ nhân viên khác theo quyết định tại thời điểm phát hành. Số cổ phiếu ESOP mới bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

Một nội dung khác được cổ đông thông qua là việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Đào Hữu Khanh, có đơn xin từ nhiệm từ ngày 08/09/2022. Đồng thời, bầu bổ sung bà Cao Thị Tâm thay thế cho nhiệm kỳ 2019 - 2024.

 

Một nội dung liên quan, Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông cho biết ngay trước thềm đại hội, HĐQT đã chủ trương thành lập Ủy ban Đầu tư tài chính và mua dự án. Công ty rất muốn mua dự án từ 1,200 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phá sản trong thời gian qua nhưng dự án ở đâu thì không thấy.

Còn về khả năng hồi phục sớm của bất động sản trong thời gian tới, ông Trần Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc cho biết hai năm vừa rồi, thị trường gặp khó khăn một phần do nguồn cung khan hiếm do vướng mắc thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, trong quý 1/2023, với một số điều tiết của Chính phủ trong đó Nghị định 10 làm sao để tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Ông Dũng cho rằng, từ quý 2 - 3/2023, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu tốt hơn, đặc biệt là thủ tục pháp lý sẽ dần được tháo gỡ. Dự kiến quý 4/2023, và năm 2024 nguồn cung của sản phẩm bất động sản sẽ tốt hơn so với năm 2022, thị trường dần khởi sắc. Ban điều hành theo đó cũng sẽ có những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Tin Cùng Chuyên Mục