Định hướng công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023: Kịp thời ứng phó những vấn đề pháp lý phát sinh

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tạo tiền đề cho những tháng còn lại của năm bản lề 2023 và các năm tiếp theo, Bộ, ngành Tư pháp xác định một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023, bảo đảm giải quyết và kịp thời ứng phó với những vấn đề pháp lý, tư pháp phát sinh mới, đột xuất.

Công tác tư pháp tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhiều vấn đề khó, phức tạp phát sinh, trong đó có các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
Trong bối cảnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội (QH); các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, QH; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Định hướng công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023: Kịp thời ứng phó những vấn đề pháp lý phát sinh - Ảnh 1

Theo đó, toàn ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương; chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Trong đó, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành hơn 1.600 VBQPPL. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ QH, QH thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV; tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới...

Công tác thẩm định đề nghị xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng, bảo đảm chất lượng, thời hạn theo quy định. Các báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp luôn được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL coi là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Riêng Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 15 đề nghị xây dựng văn bản và 73 dự án, dự thảo VBQPPL. Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục được chú trọng thực hiện.
Công tác THADS được quan tâm đẩy mạnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tín dụng, ngân hàng. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý... đạt nhiều kết quả.

Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường, nhất là ý kiến pháp lý đối với các văn bản, vấn đề liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch COVID-19.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2022 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 2) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), việc hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được Lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt...

Cùng với đó, công tác pháp luật quốc tế tiếp tục được Bộ Tư pháp triển khai thực hiện tốt. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã thẩm định 18 điều ước quốc tế; góp ý 118 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả gần 1.572 yêu cầu ủy thác tư pháp.

Bộ, ngành Tư pháp cũng đã tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Có thể nói, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Những kết quả này tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Tuy nhiên, công tác xây dựng luật, pháp lệnh tại một số bộ, ngành còn hạn chế như việc thực hiện một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL chưa đầy đủ, thống nhất; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Công tác xử lý vi phạm hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Kết quả THADS tại một số địa phương còn thấp. Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp tại một số nơi còn chưa chặt chẽ, vẫn còn một số trường hợp vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm quy định pháp luật. Việc xây dựng vận hành một số cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Tư pháp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Tránh lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh mới, đột xuất, trong đó có cả vấn đề pháp lý, tư pháp. Trước bối cảnh đó, tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ, ngành Tư pháp xác định sẽ tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, các kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục tập trung xây dựng các dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến Luật Giám định tư pháp.

Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm soát TTHC khi xây dựng VBQPPL. Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, khắc phục căn bản tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức PBGDPL, gắn kết với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đưa thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực trong ứng xử của các chủ thể trong xã hội. Tổ chức triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2023.

Tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2023. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các văn bản quy định về công tác THADS. Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu giúp chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về các mặt công tác này.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp, góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số...

Tin Cùng Chuyên Mục