Doanh nghiệp khởi công tòa tháp 108 tầng cao nhất Việt Nam “khủng” như thế nào?

Trung Hiếu

Dự án thành phố thông minh phía bắc Hà Nội đã chính thức được triển khai đầu tư xây dựng với quy mô đầu tư gần 4,2 tỉ USD, sử dụng đất khoảng 272ha.

Doanh nghiệp khởi công tòa tháp 108 tầng cao nhất Việt Nam “khủng” như thế nào?
Doanh nghiệp khởi công tòa tháp 108 tầng cao nhất Việt Nam “khủng” như thế nào?

Tăng vốn để chuẩn bị cho giai đoạn đầu tiên

Thành phố thông minh phía bắc Hà Nội do Tập đoàn BRG phối hợp với đối tác Sumitomo Corporation đầu tư với mong muốn hình thành một thành phố hiện đại, tiện ích hàng đầu khu vực châu Á.

Theo quy hoạch thành phố thông minh phía bắc Hà Nội sẽ ứng dụng 6 yếu tố cơ bản của thông minh, gồm: năng lượng thông minh, di chuyển thông minh, đời sống thông minh, quản lý thông minh, sức khỏe và học tập thông minh, kinh tế thông minh.

Điểm nhấn của thành phố thông minh là tòa tháp tài chính cao 108 tầng đã được các nhà đầu tư Việt Nam, Nhật Bản nghiên cứu, thiết kế hiện đại, hài hòa và bền vững trên nền tảng công nghệ thông minh, thành phố xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường theo kinh nghiệm phát triển và quản lý của Nhật Bản.

Mô hình thành phố thông minh phía bắc Hà Nội được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề lớn về hạ tầng đô thị của thủ đô như giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường.

Theo kế hoạch của nhà đầu tư, dự án thành phố thông minh phía bắc Hà Nội sẽ được triển khai thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 quy mô sử dụng đất 72,7ha, triển khai từ quý 4-2023 đến quý 4-2028; giai đoạn 2 quy mô sử dụng đất 67,5ha, triển khai từ quý 1-2024 đến quý 4-2028; giai đoạn 3 quy mô sử dụng đất 65,7ha, triển khai từ quý 1-2024 đến quý 4-2029; giai đoạn 4 quy mô sử dụng đất 30,1ha, triển khai từ quý 1-2024 đến quý 4-2030; giai đoạn 5 quy mô sử dụng đất 35,2ha, triển khai từ quý 4-2023 đến quý 4-2032.

Trước đó, ngày 16/10/2023 mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NH Smart City) – chủ đầu tư dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội đã tăng vốn điều lệ lên 14.260 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ trước đó. So với vốn điều lệ của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn, vốn điều lệ của công ty chỉ kém CTCP Vinhomes (gần 43.544 tỷ) và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova - Novaland (19.501 tỷ), vượt qua Becamex IDC (10.350 tỷ), Nhà Khang Điền (7.993 tỷ) ...

NH Smart City là liên danh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Sau khi hoàn thành tăng vốn, Tập đoàn Sumitomo vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ, tương ứng 7.130 tỷ đồng.

Đại diện pháp luật của công ty hiện nay là ông Eita Fujikawa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sumitomo Corporation Vietnam và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG. Ông Eita Fujikawa hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của NH Smart City còn bà Nga là Tổng giám đốc công ty này. Việc tăng vốn cho thấy sự chuẩn bị của doanh nghiệp để xây dựng dự án giai đoạn đầu tiên.

Cú bắt tay mang tầm chiến lược

Dự án Thành phố thông minh nằm ngay chân cầu Nhật Tân, trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài của Thủ đô Hà Nội, thuộc địa bàn huyện Đông Anh, có tổng diện tích 272ha, số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD.

Tháng 6/2018, BRG và Sumitomo đã chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong hội nghị đầu tư tại Hà Nội.

Đến tháng 10/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ động thổ dự án, tuy nhiên, dự án sau đó chưa triển khai thêm vì phải điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500. Đến tháng 7/2023, UBND thành phố Hà Nội đã trao Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tại huyện Đông Anh cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Theo giới thiệu trên website của BRG, Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội được đánh giá là một bệ phóng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thương hàng hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tháp Phương Trạch Tower là công trình điểm nhấn của dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội với chiều cao 108 tầng và dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Một trong 2 chủ đầu tư của dự án, BRG Group được sáng lập bởi bà Nguyễn Thị Nga từ năm 1993, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Đến hiện nay, Tập đoàn BRG đang cung cấp những sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực bao gồm khách sạn, vui chơi giải trí, bán lẻ, sản xuất và thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, sân gôn… BRG được biết đến là 1 doanh nghiệp sở hữu các khách sạn, dự án bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Còn Tập đoàn Sumitomo là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. Đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 66 quốc gia với hơn 78.000 nhân viên trên toàn cầu. Tổng tài sản của tập đoàn lên tới 73,7 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 28,4 tỷ USD, thu nhập ròng 4,2 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…

Sumitomo ghi dấu tại loạt dự án lớn như: Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên), tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2…

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cuối năm 2021, SMBC đã hoàn tất thương vụ 1,4 tỉ USD mua 49% vốn FE Credit từ VPBank. Ngoài các thương vụ kể trên, Sumitomo còn đầu tư vào mảng bảo hiểm của Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư và M&A giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt.

Hiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên tới 22,09%, là cổ đông tổ chức lớn thứ 2 của Bảo Việt, chỉ sau Bộ Tài chính. Ngoài dự án BRG Smart City, Sumitomo còn cùng với BRG kí kết Hợp đồng Liên doanh nhằm phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục