Đường vành đai 2,5 đang thực hiện sai quy hoạch?

Vũ Lành - Thành Trung

(Doanhnhan.vn) - Một tuyến đường chỉ dài 2,1km nhưng 15 năm vẫn chưa hoàn thành. Nhiều người dân cho rằng, vị trí con đường đang thi công khác xa so với bản quy hoạch ban đầu và đây chính là khúc mắc khiến đường vành đai 2,5 vẫn chưa được hoàn thiện.

Thực hiện dự án sai quy hoạch?

Doanhnhan.vn nhận được đơn của bà Vũ Thị Xuân (dân cư thuộc tổ 16, phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đại diện cho 45 hộ dân tại 2 phường Định Công và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kiến nghị về một số bất cập trong giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án Đường vành đai 2,5 qua địa phận phường Định Công và Thịnh Liệt.

Bà Vũ Thị Xuân cùng một số người dân đại diện cho các tổ dân phố trên phường Định Công vô cùng bức xúc. Theo đơn của bà Xuân: “căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 thì con đường này không tiếp nối vào đường Kim Đồng, không đi qua ga Giáp Bát, mà đi thẳng và vuông góc với đường Giải Phóng.

Nhưng Quyết định số 104/QĐ-UB ngày 24/7/2002 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt chỉ giới đường đỏ Đường 2,5 thì con đường 2,5 này lại đâm thẳng vào ga Giáp Bát. Và lệch đi so với con đường 2,5 theo bản Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ khoảng 300-400m. Cả hai bản vẽ này chúng tôi đều được Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp”.

Đường vành đai 2,5 đang thực hiện sai quy hoạch? - Ảnh 1

Người dân Phường Định Công bức xúc trước sự không minh bạch của dự án (Ảnh: Doanhnhan.vn/Thành Trung)  

Cũng theo bà Vũ Thị Xuân, trong quá trình thực hiện dự án này UBND thành phố Hà Nội đều không công khai hồ sơ quy hoạch theo Quyết định 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng và Quyết định 104/QĐ-UB của chính thành phố. Mặc cho người dân tại đây đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên suốt 15 năm qua những vướng mắc nhân dân khiếu nại và đối thoại với dân, không được trả lời thỏa đáng. Trên thực địa, đường đã bị “nắn” cong rất rõ ràng so với bản vẽ trong Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Trần Thị Trụ (Tổ trưởng Tổ dân phố số 2, phường Định Công, quận Hoàng Mai) nêu quan điểm: “Chỉ có 1 con đường nhưng lại có đến 2 bản quy hoạch và lại hoàn toàn khác nhau về vị trí, như vậy là sao? Nếu các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội vẫn muốn thực hiện đường vành đai 2,5 theo quyết định số 104/QĐ-UB ngày 24/7/2002 của UBND TP.Hà Nội thì hãy đưa ra những giấy tờ, quyết định có liên quan thì nhân dân chúng tôi sẽ đồng thuận. 

Nhưng những yêu cầu đó của chúng tôi đến giờ đều không được các cơ quan chức năng đáp ứng, bởi vậy chúng tôi nghi ngờ về tính chân thực trong Quyết định 104/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan của thành phố cung cấp bản vẽ màu, kỹ thuật số nhưng cơ quan chức năng lại nói là... mất rồi(?)”.

Bà Trụ cũng cho rằng, nếu căn cứ những văn bản, giấy tờ liên quan đến dự án Đường vành đai 2,5 mà bà Trụ thu thập được thì diện tích đất ở của gia đình bà và nhiều hộ dân khác trong phường Định Công không thuộc diện phải giải tỏa theo đúng quy hoạch ban đầu. Cũng bởi những dấu hiệu làm sai theo quy hoạch ban đầu nên khi giải phóng mặt bằng, gia đình bà mới vào diện bị giải tỏa.

Đường vành đai 2,5 đang thực hiện sai quy hoạch? - Ảnh 2

Người dân chỉ ra sự khác nhau giữa 2 bản quy hoạch theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 104/QĐ-UB của TP.Hà Nội (Ảnh: Doanhnhan.vn/Vũ Lành)  

Do vậy, bà Trụ cũng như nhiều gia đình ở đây chưa kê khai giải phóng mặt bằng. Cũng theo bà Trụ mặc dù dự án chưa nhận được sự đồng thuận của đa số các hộ dân nhưng UBND quận Hoàng Mai liên tiếp đưa ra các quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân ở đây.

Ông Vũ Khắc Mẫn (đại diện nhân dân tổ 8, phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết các hộ dân ở đây chưa đòi hỏi quyền lợi về bồi thường. Điều đầu tiên và cấp thiết nhân dân mong muốn đó là UBND thành phố cũng như quận Hoàng Mai chứng minh được sự minh bạch của dự án.

“Người dân 2 phường Định Công và Thịnh Liệt yêu cầu có một buổi đối thoại trực tiếp, công khai với các cán bộ từ phường, quận, thành phố. Chứ không phải những buổi gặp lẻ tẻ chỉ có vài người như quận vẫn làm từ trước đến nay”, ông Mẫn cho hay.

Thi công chậm chạp

Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Tổng diện tích đất thu hồi 67.125m2, trong đó riêng quận Hoàng Mai là 54.411m2 (phường Định Công: 51.333m2, phường Thịnh Liệt: 7.079m2). Tương ứng có 557 hộ gia đình với đủ loại công trình, nhà ở, đất đai nằm trong diện di dời, nhưng đến nay do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như bồi thường nên dự án đã chậm tiến độ đến 15 năm.

Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Mai làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với mức đầu tư tạm tính tại thời điểm 3/7/2012 là hơn 1.289 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016.

Theo quan sát của phóng viên, ngay với vài trăm mét đoạn đường được cho là đã thi công thì vẫn còn dang dở, được rải đá dăm, hoặc đổ cát... Những hố công trình sâu và đầy nước, mỗi ngày cũng chỉ có vài công nhân làm việc. Dù cho khó khăn là ở khâu giải phóng mặt bằng thì việc thi công của nhà thầu cũng diễn ra hết sức chậm chạp. Điều này cho thấy, ngoài việc giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại năng lực của đơn vị thi công.

Đường vành đai 2,5 đang thực hiện sai quy hoạch? - Ảnh 3

  Hiện trạng dang dở của dự án đường Vành đai 2,5 (Ảnh: Doanhnhan.vn/ Vũ Lành)

Đặc biệt, để dự án có thể sớm đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ thì với những khúc mắc của người dân phường Định Công và Thịnh Liệt, cơ quan chức năng cần có những văn bản hướng dẫn, giải thích hợp lý để sớm ổn định dư luận, nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ người dân.