Gạo 'bẩn': Cần dữ liệu khoa học đầy đủ

Theo Tuổi Trẻ

Liên quan phát biểu '90% người tiêu dùng VN đang dùng gạo bẩn, có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao' của một giám đốc công ty kinh doanh gạo ở Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về nông nghiệp VN - nói nhận định như vậy là chưa chuẩn.

Hiện giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của VN đang ở mức 480 - 490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011. Tám tháng đầu năm 2020, VN xuất khẩu trên 4,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD.

Gạo Việt đang xuất khẩu tốt như vậy. Tuy nhiên, gần đây rộ lên phát biểu của một doanh nghiệp cho rằng 90% người VN đang ăn gạo "bẩn". 

Tôi cho rằng nhận định này chưa chuẩn, chưa có cơ sở khoa học nào nghiên cứu cho ra con số như vậy, không khéo sẽ ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu gạo và bà con nông dân.

Chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chế biến gạo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Là người nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực lúa gạo, tôi nghĩ việc cảnh báo cho nông dân bớt dùng phân bón, thuốc hóa học làm ảnh hưởng chất lượng gạo là cần thiết, nhưng khi công bố thông tin cần có dữ liệu khoa học đầy đủ, không cảm tính.

Đúng là từ xa xưa, do tập quán, nông dân làm lúa quen sử dụng phân bón hóa học làm đất đai bị "chai cứng", hết chất dinh dưỡng, do vậy nếu không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì cây lúa sẽ bị sâu bệnh, không có năng suất cao nên nông dân buộc phải dùng. Nhưng thói quen này đã có thay đổi trong một vài năm nay, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bà con nông dân đã cảnh tỉnh, chuyển dần qua trồng lúa sử dụng phân sinh học, lúa gạo làm ra an toàn.

Nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL còn mạnh dạn ký kết với nông dân sản xuất theo cánh đồng lớn theo mô hình GAP, ít dùng phân bón hóa học nên sản lượng tốt, an toàn.

Với gạo xuất khẩu lại càng khắt khe hơn. Hiện ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc..., gạo Việt còn chinh phục được nhiều thị trường khó tính ở châu Âu, châu Mỹ. Họ giám sát rất nghiêm ngặt, đặc biệt là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nên không thể có chuyện gạo "bẩn", kém chất lượng lọt vào được.

Để gạo Việt tiếp tục vươn xa, không còn cách nào khác, chính quyền và ngành nông nghiệp cần mạnh dạn thay đổi cách làm, phải kiểm soát và xử lý mạnh tay tình trạng cán bộ trong hệ thống khuyến nông địa phương tiếp tay cho các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán hàng, "o ép" nông dân sử dụng để nhận hoa hồng. 

Cũng cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân hiểu lợi ích của việc bón phân vi sinh, phân hữu cơ cho lúa, để bà con tập làm theo.

* Ông Nguyễn Quý Dương (phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT):

Nguy cơ "vô cùng thấp"

Các tỉnh phía Nam thường có giai đoạn cuối cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa để trừ bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt. Loạt phun cuối thường được phun kép, muộn nhất cũng trước thu hoạch 20 - 25 ngày.

Trong khi đó, các loại thuốc phòng trừ các bệnh trên có thời gian cách ly dài nhất cũng thường chỉ 7 ngày. Vì vậy kể cả trong trường hợp nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật muộn, nguy cơ rủi ro có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên gạo vượt mức dư lượng tối đa cho phép là vô cùng thấp.

Với các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ, các đợt phải phun thuốc bảo vệ thực vật muộn rất ít xảy ra, thường muộn nhất để trừ rầy lứa 6, lứa 7. Lúc này lúa mới chỉ chắc xanh đến đỏ đuôi. Vì vậy từ lúc phun tới lúc lúa gặt, thời gian còn khoảng 15 - 20 ngày nên nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đáng kể trên gạo cũng vô cùng thấp.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục