Giá xăng dầu và nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán cao đã đẩy CPI tháng 1 tăng 0,52%

Linh Phương

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI tăng do tháng 1 năm nay rơi vào dịp Tết nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp nghỉ lễ.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ đầu 2023 cũng làm cho CPI tháng 1 tăng so với tháng trước.

Báo cáo chỉ ra, trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá; 2 nhóm hàng có chỉ số giảm và 1 nhóm giữ ổn định.

Trong nhóm tăng, giao thông có mức tăng mạnh nhất với mức tăng 1,39% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường điều chỉnh tăng.

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 01/2023 tăng cao thứ hai, với mức tăng 1,12% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng trong dịp Tết.

Cũng là những sản phẩm thiết yếu dịp Tết, chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 01/2023 tăng 0,62% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm quần áo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tăng.

Là mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết nên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 01/2023 tăng 0,82% so với tháng trước.

Ở chiều ngược lại, hai nhóm giảm là giáo dục và nhà ở, vật liệu xây dựng (do giá gas giảm). Bên cạnh đó, nhóm bưu chính viễn thông giữ giá ổn định.

Không nằm trong rổ hàng hóa, chỉ số giá vàng tháng 1 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Đồng USD trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tháng 12/2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 01/2023 giảm 2,05% so với tháng trước; tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước.

Tin Cùng Chuyên Mục