Cục hàng không Việt Nam ước tính lượng hành khách sẽ đạt 131 triệu lượt vào năm 2020, căn cứ theo tốc độ tăng trưởng 16% trong vòng 2 năm qua. Đến năm 2030, giới chức kỳ vọng sẽ có 280 triệu lượt bay dân dụng thực hiện mỗi năm.
Mike Lynch, giám đốc vận hành công ty chứng khoán SSI tại TP.HCM cho biết: “Tất cả các chuyến bay đều đông, nhất là tuyến Hà Nội - TPHCM gần như kín chỗ mỗi ngày. Các hãng mới xuất hiện và hãng cũ nâng cấp, nhưng đều có thêm khách”.
Thật ra ngành hàng không đang phát triển mạnh ở châu Á nói chung do tăng trưởng kinh tế và sự phổ biến của hàng không giá rẻ, thế nhưng lượng khách của Việt Nam “phình” nhanh gấp 2 lần phần còn lại của châu lục vào năm 2017, theo số liệu của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates.
Một trong những nguyên nhân là do các chuyến bay công tác, đến từ những nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn nhiều hơn vào các xưởng sản xuất với giá nhân công thấp ở Việt Nam.
Do tính chất công việc, họ phải bay đến đất nước hình chữ S - ví dụ như từ Tokyo bay đến Hà Nội - để kiểm tra nhà xưởng, tìm kiếm đơn vị cung ứng và gặp gỡ nhân viên.
Nhân công giá rẻ là yếu tố thu hút nhiều nhà đầu tư từ các nước phát triển ở châu Á đến Việt Nam để đặt xưởng sản xuất đồ nội thất, phụ tùng ô tô, điện tử... Việc này giúp GDP duy trì mức tăng đến 6-7%/năm. Và dĩ nhiên, các ông chủ người nước ngoài đã bay đi khắp nơi. Các nhân viên, đối tác và nhà cung ứng cho họ cũng bay công tác như vậy.
Nguồn khách thứ hai của hàng không Việt Nam là khách du lịch trong và ngoài nước
Hiện nay, người Việt có thể bay đến 10 quốc gia Đông Nam Á mà không cần visa. Sự cạnh tranh giữa nhiều hãng hàng không nội địa cũng tạo nên mức giá rẻ và nhiều ưu đãi, khiến người Việt chọn phương tiện này nhiều hơn khi di chuyển. Họ cũng ngày càng có xu hướng vi vu với cả gia đình, giúp cho các chuyến bay luôn đầy khách.
Hơn nữa, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang không ngừng tăng lên. Đến năm 2030, tổ chức tư vấn Boston Consulting Group dự đoán 16% người Việt có mức sống dư dả, so với chỉ 5% trong năm 2018. Việt Nam cũng được cho là nước có tốc độ giàu nhanh hàng đầu thế giới.
Mặt khác, khách nước ngoài cũng đến Việt Nam để thăm các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, các di tích chiến tranh hay những bãi biển dài, đẹp. Năm ngoái, du lịch trong nước đạt 15,5 triệu lượt khách, tăng 20% so với 2017 - theo số liệu của Dezan Shira.
“Chính sự kết hợp của các chuyến bay công tác và du lịch đã làm cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam rất quyến rũ và có đất phát triển” - Rajiv Biwas, chuyên gia kinh tế học tại công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit nhận định.
Các hãng bay ăn nên làm ra ở Việt Nam
Vietnam Airlines được thành lập năm 1956, chiếm 40% thị trường nội địa và có đường bay quốc tế đến 17 quốc gia khác nhau. Nhóm Vietnam Airlines cũng sở hữu hãng hàng không khu vực VASCO và 70% cổ phần hãng giá rẻ Jetstar Pacific. Nhóm này thông báo vào tháng 1/2019 mức “lợi nhuận lịch sử” 2,8 nghìn tỷ đồng (121 triệu USD) do nhu cầu hành khách tăng vọt.
Đối thủ chính của Vietnam Airlines và Vietjet Air - hãng hàng không giá rẻ bắt đầu với thị trường trong nước và vòng quanh châu Á từ 8 năm trước. Vietjet khẳng định chiếm 45% thị trường nội địa, thực hiện hơn 400 chuyến bay mỗi ngày để chuyên chở 100 triệu hành khách. Hãng bay quảng bá hình ảnh của mình với lợi thế giá cả và đội tàu bay khá mới.
Hãng bay mới gia nhập thị trường từ tháng 1 là Bamboo Airways. Họ định vị là hãng hàng không “lai” giữa giá rẻ và dịch vụ chất lượng cao. Bamboo có nhiều đường bay đi-đến giữa các thành phố trong nước mà không cần nối chuyến.
Tập đoàn Vingroup - kinh doanh tất cả mọi thứ từ smartphone đến trường đại học mang thương hiệu riêng - đang hoàn thành giấp phép để cất cánh Vinpearl Air. Hãng này dự kiến sẽ gia nhập bầu trời Việt vào năm sau, với vốn hóa thị trường 14,1 tỷ USD và ông chủ đứng đằng sau là tỷ phú giàu nhất Việt Nam - Phạm Nhật Vượng.
(Theo tác giả Ralph Jennings - Forbes)