Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam

Nguyên Anh

Người sáng lập thương hiệu Cương Duyên - nghệ nhân Phạm Duy Cương vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm gốm sứ thủ công. Bắt đầu làm gốm từ năm 16 tuổi, ông là đại diện cho thế hệ nghệ nhân Việt luôn nỗ lực và đã thành công trên con đường gìn giữ, bảo tồn những giá trị dân tộc thiêng liêng tại làng gốm vang danh Thủ đô.

Tiếp nối nghề gia truyền

Năm 1960, thế hệ đầu tiên trong gia đình là ông Phạm Tiến Môn, đã đặt viên gạch đầu tiên tại lò gốm Cương Duyên. Vào năm 1991, cùng tình yêu và được truyền cảm hứng bởi cha, Nghệ nhân Phạm Duy Cương chính thức thành lập nên cơ sở sản xuất Gốm sứ Cương Duyên: “Gốm sứ với tôi vừa là đam mê, vừa là truyền thống gia đình. Cha tôi đã dạy tôi cách để những lò gốm Bát Tràng không bao giờ bị tắt lửa."

Nghệ nhân Phạm Duy Cương
Nghệ nhân Phạm Duy Cương

Vào năm 2010, nhận thấy nhu cầu về gốm sứ của khách hàng tăng lên, thị trường có những tín hiệu tốt, ông tiếp tục mở rộng quy mô chế tác tại Cụm Công nghiệp Bát Tràng - Gia Lâm, Hà Nội. Năm 2019 ông hợp tác cùng họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ về ý tưởng, khánh thành Showroom Nhà cây Gốm sứ Cương Duyên, là một trong hai điểm du lịch đầu tiên đạt chuẩn tại Bát Tràng do Sở Du lịch Thành phố Hà Nội cấp. Vào năm 2021, để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông Duy Cương quyết định mở rộng quy mô chế tác 2.400m2 tại Cụm Công nghiệp Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) và chính thức thành lập nên Công ty TNHH Gốm sứ Cương Duyên.

Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam - Ảnh 1

“Ngay từ khi bắt đầu với nghề làm gốm sứ, tôi đã luôn làm theo lời dặn dò của cha ông trong gia đình: “Tâm Thanh Nghiệp Thịnh - Nghệ Thủ Tinh Hoa". Tâm là gốc rễ của mọi sự thành bại trong cuộc sống. Rèn cho tâm trong sáng, thuần khiết, nhẹ nhàng, luôn nỗ lực đem đến giá trị cho khách hàng thì sự nghiệp ắt hưng thịnh, đưa Cương Duyên luôn là đơn vị dẫn đầu trong nghề và đây cũng là triết lý của doanh nghiệp hiện tại” - nghệ nhân Duy Cương khẳng định.

Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam - Ảnh 2

Với tầm nhìn trở thành đơn vị số 1 về gốm sứ thủ công cao cấp trong nước cùng sứ mệnh gìn giữ và phát triển giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam bằng sự kết hợp 3 yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp là bí quyết men màu sáng tạo, thủ pháp độc đáo, thủ công tinh xảo, Cương Duyên luôn chỉn chu trong từng chi tiết, để mỗi sản phẩm gốm sứ không chỉ đáp ứng công năng sử dụng mà còn là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Sứ mệnh bảo tồn giá trị dân tộc của người nghệ nhân

Thương hiệu Cương Duyên chú trọng vào 2 dòng sản phẩm chính đó là Sứ Tâm Linh và Sứ Trang trí. Sứ Tâm Linh là những vật phẩm thờ phục vụ cho tín ngưỡng thờ cúng tại Việt Nam. Ngoài những sản phẩm Sứ Tâm Linh men lam đã quen thuộc, hiện tại Cương Duyên đã nghiên cứu và ứng dụng các thủ pháp mới trên vật phẩm thờ, điển hình là Thủ pháp Dệt Gấm Thêu Hoa, giúp phù hợp với đa dạng các không gian tâm linh khác nhau. Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ các vân gấm tinh xảo trên phẩm phục thời Nguyễn, là thủ pháp mới nhất của Cương Duyên.

Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam - Ảnh 3

Đồng thời, mọi quá trình chế tác tại Cương Duyên đi theo tôn chỉ gìn giữ những giá trị tinh hoa của gốm sứ thủ công, dùng sự tỉ mỉ để chăm chút cho từng chi tiết trên tác phẩm gốm sứ, chính vì vậy mà mọi sản phẩm của Cương Duyên đều mang giá trị thủ công thuần tuý. Cuối cùng, bí quyết men màu sáng tạo chính là một trong những điểm đặc biệt nhất để nhận biết gốm sứ Cương Duyên, men Lam truyền thống đã đặt cột mốc đầu tiên trong hành trình phát triển của thương hiệu, tuy nhiên các nghệ nhân không dừng lại ở đó mà tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt thế hệ trẻ kế tiếp trong gia đình vận dụng những tư duy mỹ thuật hiện đại để cho ra đời nhiều bài men độc đáo, góp phần tạo ra nhiều tác phẩm gốm sứ có giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam - Ảnh 4

“Gốm sứ đã xuất hiện từ ngàn đời nay. Tôi cho rằng, gốm sứ không chỉ dừng lại với vai trò là những thứ đồ để trang trí, hay phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà chúng còn là chứng nhân mang đậm dấu ấn văn hoá của các triều đại của dân tộc Việt Nam ta. Qua những hoạ tiết thể hiện dòng sự kiện lịch sử, những địa danh của đất nước, những nhân vật hào kiệt,... trên gốm sứ cũng sẽ là một phần giúp con cháu chúng ta nhìn nhận về một lịch sử hào hùng của cha ông” - ông Phạm Duy Cương chia sẻ.

Gốm sứ Cương Duyên: Góp phần bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam - Ảnh 5

Hiện nay, gốm sứ là một loại sản phẩm ngày càng được ưa chuộng, khi nhà sản xuất nhận được tín hiệu của thị trường thì cũng là lúc người tiêu dùng có rất nhiều cơ hội để lựa chọn sản phẩm phù hợp trước sự đa dạng hoá các sản phẩm gốm sứ. Xã hội hiện đại hoá đồng nghĩa với ngành nghề làm gốm sứ cũng sẽ có sự chuyển biến về quy trình sản xuất. Sản phẩm gốm sứ hiện tại đang dần tiếp cận đến với công nghệ, máy móc. Tuy nhiên, vẫn luôn có những bộ phận khách hàng tìm về những giá trị gọi là “thủ công truyền thống". Rất nhiều khách hàng vẫn yêu cầu những sản phẩm gốm sứ phải thật tinh xảo, tỉ mỉ, cầu toàn từng chi tiết và truyền tải giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật - điều mà không máy móc nào có thể làm được. Đó cũng chính là những người đồng hành cùng Cương Duyên trên hành trình gìn giữ cũng như phát huy nghề gốm sứ thủ công, vốn là tinh hoa của dân tộc Việt.

“Đối với tôi, nghề làm gốm là nghề ông cha để lại, sinh ra chảy trong cơ thể là dòng máu của làng Gốm Bát Tràng, chúng tôi không chỉ có nhiệm vụ gìn giữ nghề truyền thống mà cần kết hợp những tính mới, tính phát triển của thời đại để phát huy nghề gốm, giúp nghề truyền thống này ngày càng thăng hoa hơn, thế hệ trẻ mai sau luôn có những thứ đồ để giúp họ có thể tìm về dòng chảy văn hoá lịch sử ngàn đời và tiếp tục cùng chung tay bảo tồn giá trị gốm sứ thủ công Việt Nam”.

Tin Cùng Chuyên Mục