Hà Nam: Người lính trẻ “mất” tương lai vì dòng bút phê vô cảm của chính quyền địa phương

Vũ Lành

Đang là lính nghĩa vụ, có cơ hội được xét tuyển vào biên chế ngành công an, thế nhưng chỉ vì một bút phê không tốt của chính quyền địa phương trong bản sơ yếu lý lịch mà mọi nỗ lực, cố gắng của người lính trẻ đã trở thành "con số không"...

Tương lai mù mịt vì một bút phê xấu

Doanhnhan.vn nhận được đơn kêu cứu từ ông Trần Quang Thắm (ngụ tại Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) về việc con trai ông là anh Trần Quang Minh (SN 1996, lính nghĩa vụ Hỗ trợ tư pháp - Công an huyện Kim Bảng, Hà Nam) đã không được xét duyệt vào biên chế ngành công an bởi những dòng nhận xét của chính quyền đia phương trong bản sơ yếu lý lịch.

Chỉ với vài dòng nhận xét: “Từ thời điểm hiện tại trở về trước gia đình và bản thân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương không có vi phạm gì. Tại thời điểm hiện tại, ông Thắm và bà Mây là bố mẹ đẻ của anh Minh không chấp hành tốt công tác giải phóng mặt bằng”.

Hà Nam: Người lính trẻ “mất” tương lai vì dòng bút phê vô cảm của chính quyền địa phương - Ảnh 1

 Những dòng nhận xét của chính quyền xã đã khiến cho tiền đồ của chàng lính trẻ trở nên mịt mù.

Không giấu nổi vẻ thất vọng người lính trẻ Trần Quang Minh tâm sự, trước đó anh cũng đã được Trưởng công an thị trấn Ba Sao nhận xét vào bản lý lịch: “UBND, Công an thị trấn Ba Sao xác nhận lý lịch anh Trần Quang Minh: Sinh năm 1996 khai trên là rõ ràng. Bản thân, bố, mẹ đẻ, em gái, ông, bà nội có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Ba Sao - Kim Bảng - Hà Nam”.

Nhưng khi trình lên chính quyền địa phương thì ông Nguyễn Trung Văn (Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao) không chấp nhận và ông Văn nói phải về vận động gia đình rút đơn khiếu nại thì mới cho được.

“Khi tôi vào xã xin dấu thì người ta không cho, cứ bảo về vận động gia đình phải rút đơn nhưng gia đình tôi không đồng ý. Sau đó 2-3 ngày tôi với mẹ liên tục vào xã xin chữ ký nhưng họ đều không cho và các cán bộ xã còn viết sẵn mẫu đơn để bố mẹ tôi kí vào, hứa sẽ đóng dấu và xác nhận cho tôi lý lịch "sạch" nhưng gia đình tôi không đồng ý.

Đến lần cuối cùng là ngày 14/8 tôi xin xác nhận lần cuối thì họ cũng cho, nhưng Chủ tịch UBND thị trấn đã yêu cầu Trưởng công an ghi thêm những nội dung là bố mẹ tôi không chấp hành tốt công tác giải phóng mặt bằng thì ông ta mới đồng ý ký tên, đóng dấu”, anh Minh uất ức cho hay.

Được biết trong thời gian phục vụ quân ngũ từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2017, anh Minh đã luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Không những thế anh Trần Quang Minh còn nhận được Giấy khen từ Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo TTATXH ở địa phương...

Nói về dự định về tương lai của mình, Minh ngậm ngùi, bản thân chưa có dự định nào rõ ràng nhưng hiện tại đang theo học tại một trường nghề: “Bản thân tôi thực sự đã đặt hy vọng quá nhiều vào việc được gia nhập đội ngũ công an chuyên nghiệp nhưng bây giờ mọi thứ đều đã không còn vì những dòng phê xấu của chính quyền thị trấn Ba Sao. Thời gian tôi không được xét tuyển bố, mẹ tôi cũng suy nghĩ và buồn rất nhiều, bố tôi cũng làm đơn kêu cứu rất nhiều cơ quan truyền thông nhưng đều đã quá muộn”.

Do gia đình khiếu nại về quyền lợi

Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do dẫn đến sự việc trên là có sự khúc mắc trong việc đền bù đất đai để giải phóng mặt bằng làm dự án Khu du lịch Tam Chúc (Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng). Các cán bộ trong thị trấn đã có tới gia đình Trần Quang Minh vận động bố mẹ anh lấy tiền đền bù nhà và đất ở để làm khu du lịch.

“Tin lời các bộ xã bố mẹ tôi lấy tiền, khi đó họ bảo thừa thiếu như nào thì làm đơn khiếu nại, sau đó bố mẹ tôi chỉ làm đơn khiếu nại chứ không kiện ai cả. Sau một thời gian, đến lúc tôi đi làm lý lịch tự khai để xét tuyển biên chế đợt tháng 9, nhưng không xin được”.

Cũng theo lời anh Minh, gia đình anh không đồng ý rút đơn khiếu nại về bởi có những khúc mắc chưa thể giải quyết được trong quá trình đền bù. Ngoài gia đình anh, còn có hàng chục hộ khác cũng trong hoàn cảnh trên.

Không chỉ có thế, ngay sau khi Minh không được xét tuyển vào biên chế ngành công an do bị phê xấu, anh Minh đã làm đơn khiếu nại đến UBND thị trấn Ba Sao nhưng không được giải quyết.

UBND thị trấn Ba Sao đã ra thông báo về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của ông Trần Quang Minh bởi cho rằng: “Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, UBND thị trấn Ba Sao khẳng định việc Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao xác nhận thái độ chính trị của bố mẹ đẻ ông Trần Quang Minh tại thời điểm khai vào bản lý lịch để làm hồ sơ chuyển chuyên nghiệp vào ngành công an nhân dân của ông Trần Quang Minh, là đúng quy định, do vậy đơn khiếu nại của ông Trần Quang Minh UBND thị trấn Ba Sao không thụ lý giải quyết”.

Hà Nam: Người lính trẻ “mất” tương lai vì dòng bút phê vô cảm của chính quyền địa phương - Ảnh 2

 Thông báo về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của anh Trần Quang Minh được Chủ tịch UBND Thị trấn Ba Sao ông Nguyễn Trung Văn ký duyệt (Ảnh: Doanh nhân.vn/ Vũ Lành)

Liên quan đến vấn đề này Luật sư Mai Tiến Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm, việc “Chứng thực chữ ký” được căn cứ theo khoản 3 và khoản 9 Điều 2 của Nghị định số: 23/2015/NĐ-CP của Chính Phủ, ngày 16/2/2015 về “Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch" thì nội dung mà Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao ghi khi thực hiện việc chứng thực chữ ký của anh Minh, đối chiếu với quy định nêu trên cho thấy ông Chủ tịch Thị trấn Ba Sao đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc chứng thực chữ ký cho anh Minh”, luật sư Dũng cho hay.

Công văn số 1520/HTQTCT- CT ban hành ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu rõ: "UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lí lịch của công dân".

Ngoài ra, trước câu hỏi của PV về việc có sự khác biệt nào về quyền hạn, chức năng nào của xã, thị trấn về việc xác nhận vào lý lịch xin việc và lý lịch tự khai của ngành công an ban hành của công dân hay không? Luật sư Mai Tiến Dũng cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi không thấy có văn bản nào quy định về việc chứng thực chữ ký của công dân trong lý lịch tự khai của ngành công an khác với việc chứng thực chữ ký của công dân trong lý lịch tự khai nói chung”.

Để tìm hiểu về vấn đề trên, phóng viên đã liên lạc với UBND thị trấn Ba Sao nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.