Hãng xe điện Trung Quốc được định giá 87 tỷ USD dù chưa bán hàng ra thị trường

Như Quỳnh

Giá trị thị trường của Evergrande còn lớn hơn cả nhiều hãng ô tô tên tuổi lâu đời của thế giới như Ford hay General Motors (chủ sở hữu của Cadillac, Chevrolet,..).

Gian trưng bày xe điện của Evergrande. Ảnh: Bloomberg.
Gian trưng bày xe điện của Evergrande. Ảnh: Bloomberg.

Tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia Thượng Hải, 9 mẫu xe của hãng xe điện Trung Quốc Evergrande được đặt ở vị trí trung tâm và là một trong những gian hàng lớn nhất tại Triển lãm ô tô Trung Quốc năm 2021.

Trước khi sản xuất xe điện, Evergrande đã là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc với danh mục đầu tư đa dạng từ câu lạc bộ bóng đá đến các viện dưỡng lão. Với vị thế của mình, dễ hiểu khi Evergrande nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi tuyên bố tham gia cuộc đua xe điện.

Giá cổ phiếu của Evergrande NEV đã tăng hơn 1.000% trong 12 tháng qua, giúp tập đoàn huy động vốn thành công hàng tỷ USD. Giá trị thị trường của Evergrande hiện là 87 tỷ USD, lớn hơn cả nhiều hãng ô tô tên tuổi lâu đời của thế giới như Ford hay General Motors (sỡ hữu Cadillac, Chevrolet...).

Dù có màn ra mắt hết sức hoành tráng, sự thật là Evergrande vẫn chưa bán được một chiếc xe điện nào.

Tiến độ sản xuất liên tục bị trì hoãn

Thế giới đang chứng kiến một cơn sốt xe điện chưa từng có nhờ sự tự tin của các nhà đầu tư vào tương lai xe điện thống trị ngành ô tô toàn cầu. CEO Tesla - Elon Musk từng có thời điểm trở thành người giàu nhất thế giới nhờ cổ phiếu hãng xe điện này tăng chóng mặt. Tesla hiện cũng là công ty ô tô có giá trị thị trường lớn nhất toàn cầu.

Sự phát triển quá nhanh khiến các chuyên gia đang bắt đầu tỏ ra lo ngại về nguy cơ xảy ra bong bóng xe điện. Tờ Bloomberg cho rằng không ở đâu nguy cơ vỡ bong bóng xe điện rõ ràng hơn Trung Quốc và Evergrande là một ví dụ điển hình.

Dù được định giá tới 87 tỷ USD, hãng xe điện này thậm chí chưa có nổi một đồng doanh thu từ bán xe. Hồi tháng 3/2019, chủ tịch Evergrande - ông Hứa Gia Ấn từng thề sẽ đưa tập đoàn vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới chỉ trong 3-5 năm.

Chủ tịch Evergrande - ông Hứa Gia Ấn. Ảnh: Pandaily
Chủ tịch Evergrande - ông Hứa Gia Ấn. Ảnh: Pandaily

Thế nhưng trong khi Tesla gặt hái được những thành công vang dội tại thị trường tỷ dân, Evergrande lại nhiều lần trì hoãn việc sản xuất ô tô điện trên quy mô lớn. Dù biết rằng việc sản xuất xe điện cần các công nghệ phức tạp và vốn đầu tư cao, nhưng việc một công ty gần 100 tỷ USD như Evergrande vẫn chưa thể sản xuất xe riêng của mình trên diện rộng khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Chưa dừng lại ở đó, báo cáo tài chính cuối tháng 3 của Evergrande còn cho thấy mức lỗ hàng năm của tập đoàn đã tăng tới 67% trong năm 2020.

Để xoa dịu tình hình, ông Hứa khẳng định công ty sẽ có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào cuối năm nay, chậm hơn 1 năm so với dự kiến. Sự chậm trễ này khiến toàn bộ kế hoạch sản xuất của Evergrande bị đảo lộn. Phải đến năm 2022, khách hàng mới nhận được những chiếc xe Evergrande đầu tiên trong khi kế hoạch nâng công suất sản xuất hàng năm từ 500.000 lên 1 triệu xe điện vào năm 2022 bị lùi cho đến năm 2025.

“Một công ty kỳ lạ”

Không chỉ chậm trễ trong kế hoạch sản xuất, cách kinh doanh của Evergrande cũng khiến các chuyên gia đặt dấu hỏi. Tập đoàn này áp KPI bán căn hộ cho các giám đốc mảng ô tô, yêu cầu các kĩ sư của mình tạo ra các mẫu xe quá tham vọng, và gần như là phi thực tế khi thách thức cả những hãng xe danh tiếng nhất trong khi bản thân chỉ là một hãng xe mới thành lập.

Một mẫu xe điện của Evergrande tại Triển lãm ô tô Trung Quốc 2021 tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg. 
Một mẫu xe điện của Evergrande tại Triển lãm ô tô Trung Quốc 2021 tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg. 

Theo Bloomberg, công nhân ô tô của Evergrande bị yêu cầu giúp tập đoàn bán bất động sản là ngành kinh doanh cốt lõi của đế chế Evergrande bằng cách chia sẻ bài viết trên mạng xã hội. Các nhân viên mới thay vì được đào tạo về sản xuất ô tô lại phải tham gia các khóa học nội bộ tìm hiểu về lịch sử của công ty.

Mô hình sản xuất của Evergrande cũng không đồng bộ. Tập đoàn này có tới 3 cơ sở sản xuất ở Quảng Châu, Thiên Tân và Thượng Hải nhưng lại không có dây chuyền lắp ráp ô tô chung. Trong khi đó, thiết bị và máy móc tại các nhà máy cũng chưa hoàn chỉnh và đang được bổ sung thêm.

“Đó là một công ty kỳ lạ. Họ đổ rất nhiều tiền mà chưa thực sự thu về được thành quả nào. Họ đang bước chân vào một ngành mà họ có hiểu biết còn rất hạn chế, Evergrande thậm chí chưa chắc đã có lợi thế công nghệ ngang với các đối thủ trong nước như Nio hay Xpeng", Bill Russo, người sáng lập và CEO của công ty tư vấn Automobility bình luận.

Cách làm trái ngược

Dù bị chỉ trích vì nhiều lần chậm trễ trong khâu sản xuất xe, người phát ngôn của Evergrande vẫn tự tin tuyên bố tập đoàn đang hợp tác với các đối tác quốc tế để phát triển cùng lúc 14 mẫu xe điện mới bao gồm tất cả các phân khúc từ xe du lịch đến sedan, SUV, xe chuyên dụng... Mức giá của các mẫu xe này dao động trong khoảng 12.000 - 92.000 USD.

“Thị trường đã chứng minh tính hiệu quả của chiến lược “át chủ bài” (chỉ tập trung phát triển một số ít mẫu xe nhất định). Evergrande chỉ đang cố gắng ra mắt thật nhiều sản phẩm và hy vọng một trong số chúng thành công", Zhang Xiang, một nhà nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô tại Đại học Công nghệ Hoa Bắc tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch ra mắt xe của Evergrande.

Những mập mờ trong cách kinh doanh của Evergrande đã bắt đầu khiến chính quyền Trung Quốc chú ý. Tân Hoa Xã mới đây đã có một bài viết bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xảy ra “bong bóng xe điện” tại đại lục, khiến giá cổ phiếu của Evergrande NEV lao dốc.

“Khoảng cách quá lớn giữa năng lực sản xuất và giá trị vốn hóa cho thấy thị trường xe điện đang bị thổi phồng", Tân Hoa Xã thẳng thắn nhận xét về hiện trạng của nhiều công ty xe điện nước này.

Tin Cùng Chuyên Mục