Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại”

Xuân Mai

Vừa qua, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Tổ chức IFC - Thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” tại Hà Nội.

Chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội, thúc đẩy kinh doanh, thương mại phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội cũng ấn chứa nhiều rủi ro và phát sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phát triển mạnh mẽ hơn, đòi hỏi phải có những cơ chế để có thể giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi tham gia quan hệ hợp đồng, qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” - Ảnh 1

 

Do vậy, hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” tại Hà Nội nhằm giúp giới luật sư và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ những quy định về hoạt động hoà giải thương mại trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Trước đó, vào năm 2015, Quốc hội đã ban hành Bộ Luật tố tụng Dân sự, trong đó có dành hẳn một chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Theo đó, tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải. Năm 2017 vừa qua, đã có 19 vụ tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải, theo đó, Hội đồng Trọng tài ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành giữa các bên và được các bên đánh giá cao. Đáng lưu ý là các bên tranh chấp đã tự nguyện thi hành kết quả hòa giải. 

Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” - Ảnh 2

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Việc ban hành Nghị định hòa giải thương mại và Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW  ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh” khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Các quy định của pháp luật về hòa giải thực sự là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích giải quyết tranh chấp hòa giải, nâng cao hiệu quả của biệc sử dụng hòa giải, đặc biệt là lựa chọn phương thức hòa giải.

Về vấn đề này, bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường - Tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đã có bước đi quan trọng trong việc thông qua khuôn khổ pháp lý mới về giải quyết tranh chấp thương mại bằng cả hoà giải và trọng tài: “Chúng ta có cơ chế khá tiến bộ, có cả 1 Chương về vấn đề thi hành, có Luật về trọng tài thương mại và Nghị định về hoà giải thương mại. Đây là bước tiến quan trọng và tiếp theo sẽ là việc đưa vào thực thi trong thực tiễn”, bà Nina Mocheva khẳng định.

Cũng theo bà Nina Mocheva, để có một phương thức giải quyết hoà giải cho các tranh chấp thương mại cần rất nhiều nỗ lực, cụ thể, cần có một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh, cần có sự cam kết thúc đẩy hoà giải thương mại của các nhà làm chính sách, cùng với đó có sự khuyến khích được các bên liên quan tham gia vào quá trình này từ các luật sư, doanh nghiệp... bởi khác với trọng tài, quá trình hoà giải thương mại là quá trình mang tính tự nguyện.

Hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hoà giải thương mại” - Ảnh 3

 

Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh toà, Toà Kinh tế, Toà án nhân dân TP Hà Nội cũng cho biết, những quy định về Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với các vấn đề liên quan tới hoà giải từ Điều 205-213. Trong đó, về thủ tục tiến hành hoà giải được nhận định là còn gây phát sinh nhiều chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. “Có thể thấy rằng, thủ tục hoà giải trong tố tụng toà án tuy được đánh giá là khá hiệu quả, nhưng lại quá chặt chẽ và tương đối rườm rà. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận với việc quá tải của hệ thống toà án thì việc thời gian xử lý lâu là không tránh được” - ông Tiến cho biết.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, các hoạt động hoà giải ngoài tố tụng được quy định trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại được đánh giá là linh hoạt hơn và ngắn gọn hơn. “Chúng tôi với tư cách là toà án hi vọng thời gian tới sẽ có những vụ hoà giải thành đầu tiên theo Nghị định 22 mang đến Toà án xin công nhận để chúng tôi thực hiện đúng theo quy định tại Chương 33 Luật Tố tụng Dân sự 2015”, ông Tiến nhấn mạnh.