Huy động thành công 200 triệu USD, kỳ lân về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc nhắm mục tiêu tới thị trường Đông Nam Á

Đỗ Hiền

Sau khi thành công ở vòng gọi vốn mới nhất, startup SmartMore hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở ở Thâm Quyến đã lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán và mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.

Vòng gọi vốn kết thúc vào tháng 6 vừa qua của SmartMore có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như Sequoia Capital China, Lenovo Capital, IDG Capital, CoStone Capital và Green Pine Capital Partners…

Li Ruiyu, người đồng sáng lập kiêm giám đốc sản phẩm của SmartMore, cho biết startup hai năm tuổi này hiện được định giá hơn 1 tỷ USD.

Startup công nghệ Smartmore đang có kế hoạch tiến quân vào Đông Nam Á. Ảnh: Caixing
Startup công nghệ Smartmore đang có kế hoạch tiến quân vào Đông Nam Á. Ảnh: Caixing

“Số tiền huy động được từ vòng tài trợ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các kế hoạch thâm nhập thị trường, tăng cường đầu tư cho R&D và thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp sản xuất thông minh trên quy mô lớn của chúng tôi,” nhà đồng sáng lập 28 tuổi, người vừa lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia của tạp chí Forbes 2021 cho hay.

Trong vòng gọi vốn hồi tháng 10 năm ngoái, SmartMore đã thành công huy động được 100 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Được thành lập vào năm 2019, SmartMore chuyên về công nghệ thị giác máy tính (vision technology). Sử dụng mô hình học sâu (deep learning) và hình ảnh kỹ thuật số từ máy ảnh và video, công nghệ thị giác máy tính có thể xác định và phân loại chính xác các đối tượng. SmartMore hiện tập trung vào sản xuất thông minh và các dịch vụ cải thiện chất lượng video.

Công nghệ sản xuất thông minh của SmartMore giúp phát hiện sự cố trong dây chuyền sản xuất. Ví dụ, việc sử dụng công nghệ giám sát AI tự động trong dây chuyền sản xuất ô tô và chất bán dẫn có thể rút ngắn quy trình kiểm tra và tăng hiệu quả sản xuất. Một hệ thống được đào tạo để kiểm tra sản phẩm có thể phân tích hàng nghìn sản phẩm trong một phút và nhận ra các lỗi mà mắt người không thể nhận thấy.

SmartMore cho biết khách hàng của họ bao gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng như công ty hàng tiêu dùng Unilever và Procter & Gamble, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Đức Continental và nhà sản xuất máy ảnh Nhật Bản Cannon.

Công nghệ cải thiện chất lượng video của SmartMore sử dụng AI để giúp nâng cao chất lượng hình ảnh và video trong giải trí, trò chơi di động và hội nghị truyền hình.

Theo một báo cáo của Deloitte, quy mô thị trường ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt quá 2 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 365 triệu USD của năm nay, do các chính sách thuận lợi của chính phủ, nguồn vốn đầu tư dồi dào và ngành sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.

Ngoài trụ sở ở Thâm Quyến, SmartMore còn có văn phòng tại Bắc Kinh, Trùng Khánh, Hàng Châu, Thượng Hải, Tô Châu và Hong Kong.

Tháng 11 năm ngoái, SmartMore đã bắt đầu tiến chân ra thị trường nước ngoài bằng việc mở văn phòng ở Tokyo. Kế tiếp, trong tháng này, SmartMore sẽ mở văn phòng ở Singapore như một phần của kế hoạch mở rộng khắp khu vực Đông Nam Á. 

“Các chính sách kinh tế và tài chính của đất nước này đảm bảo quá trình hoạt động kinh doanh có thể diễn ra bình thường. Cùng với đó, việc các quỹ có thể được phân bổ hợp lý là lý do khiến Singapore trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới,” Li Ruiyu cho hay khi được hỏi về nguyên nhân lựa chọn Singapore làm điểm đầu tiên trong kế hoạch tiến quân vào thị trường Đông Nam Á.

Cũng theo thông tin từ Li Ruiyu, SmartMore đã có kế hoạch ra mắt công chúng, tuy nhiên cho tới thời điểm này vẫn chưa có lịch trình chính xác. Một trong những công ty AI lớn nhất Trung Quốc, SenseTime, đang có kế hoạch nộp hồ sơ IPO ở Hong Kong vào cuối tháng này.

Ngoài Li, các nhà đồng sáng lập còn lại của SmartMore là chủ tịch Jia Jiaya – giáo sư kỹ thuật và khoa học máy tính đang làm việc tại Đại học Hong Kong,  CEO Shen Xiaoyong, CTO Lu Jiangbo và giám đốc kỹ thuật Liu Shu.

Tất cả những người đồng sáng lập của SmartMore đều có bằng tiến sĩ chuyên ngành thị giác máy tính, khoa học máy tính hoặc kỹ thuật điện.

Tin Cùng Chuyên Mục