Khám phá sản vật miền Bắc Việt Nam (Kỳ 7): cơm lam Sơn Dương, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang

Thành Trung

Tuyên Quang nổi tiếng với hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Không chỉ vậy, Tuyên Quang còn là nơi gắn liền với nhiều sản vật đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ưa chuộng.

SẢN VẬT TUYÊN QUANG

Cơm lam Sơn Dương

Cơm lam là món đặc sản ưa thích của đồng bào dân tộc Tày. Đối với đồng bào nơi đây mùa cơm lam bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 âm lịch.

Khám phá sản vật miền Bắc Việt Nam (Kỳ 7): cơm lam Sơn Dương, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang - Ảnh 1

Nguyên liêu đơn giản chỉ gồm gạo nếp, ống tre non. Bí quyết tạo nên nét đặc trưng của cơm lam nơi đây chính là việc chọn loại nếp. Gạo nếp phải chọn loại gạo trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là nếp nương, sau đó ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối và nước gừng trộn đều rồi đổ vào ống tre đã có sẵn nước. Không nên nén chặt, mà để cách miệng ống vài cm, khi gạo chín nở sẽ tự bít đầy ống. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối khô.

Việc nướng cơm lam Sơn Dương được coi là một nghệ thuật. Theo kinh nghiệm người dân nơi đây thì khi nướng cần phải xoay đều tay trên bếp than hồng để cơm chín đều. Thông thường thì nướng khoảng 30 - 40 phút mùi thơm sẽ bốc lên là cơm đã chín. Dùng dao bóc tách từng lớp vỏ bị cháy bên ngoài của ống cho tới khi gặp các lớp màng lụa mỏng màu trắng ngà của ống, sẽ thấy cơm dài thành khúc bằng chiều dài ống tre.

Khám phá sản vật miền Bắc Việt Nam (Kỳ 7): cơm lam Sơn Dương, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang - Ảnh 2

Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, thị thanh của lá chuối hòa quyện cùng khói bếp lửa tạo ra hương vị đặc biệt ko nơi nào có được. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, kết hợp được với nhiều thức ăn khác nhau.

Bánh gai Chiêm Hóa

Nghề làm bánh gai của huyện Chiêm Hóa hình thành vào năm 1940 ở thị trấn Vĩnh Lộc. Món bánh này thường được làm vào dịp lễ tết mùa Vu Lan. Dịp này, người dân muốn tự tay làm những chiếc bánh gai thơm ngon để dâng lên tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính của mình. 

Món bánh này là đặc sản Tuyên Quang được được rất nhiều người yêu thích.
Món bánh này là đặc sản Tuyên Quang được được rất nhiều người yêu thích.

Trong số các khâu làm bánh gai thì lựa chọn nguyên liệu làm bánh là quan trọng nhất. Lá gai ngon phải là loại lá to, bánh tẻ, đem phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột. Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm sau đó để ráo nước và xay thành bột. 

Phần nhân bánh được làm bằng đậu xanh cần phải lựa những hạt đậu to tròn và căng mọng. Thịt mỡ tẩm ướp đầy đủ gia vị cùng với đường để thực hiện làm nhân bánh.

Sau khi đã giã nhuyễn gạo, người ta sẽ đem gạo trộn lẫn với đường phèn và lá gai. Công đoạn giã này cũng rất tốn thời gian bởi người làm bánh cần phải giã cho tới khi các nguyên liệu này dính quyện vào nhau và tạo thành thứ bột hỗn hợp đồng nhất có màu sẫm đen. Sau khi hoàn tất các công đoạn, người dân sẽ tiến hành cho bánh vào nồi để hấp trong khoảng 2h là bánh chín mềm.

Khám phá sản vật miền Bắc Việt Nam (Kỳ 7): cơm lam Sơn Dương, bánh gai Chiêm Hóa, rượu ngô Na Hang - Ảnh 3

Là loại bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, nhân đậu xanh quện với dừa tươi cho ta vị ngậy bùi. Bánh có mùi thơm của lá gai, phảng phất mùi của lá chuối khô. 

Bánh gai Chiêm Hóa không có chất bảo quản nên chỉ có thể sử dụng 2 - 3 ngày kể từ thời điểm sản xuất. Để trong tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn, tuy nhiên bánh sẽ bị đông cứng lại, cần phải hấp mềm trước khi ăn.

Rượu ngô Na Hang

Rượu ngô Na Hang được sản xuất theo bí quyết của người dân Na Hang, đòi hỏi sự tỷ mỷ và kiên nhẫn qua từng công đoạn: Bung ngô, trộn men, ủ lên men và cho vào hũ (chum, vại) bịt kín trong khoảng 20 - 30 ngày mới đem chưng cất.

Thông thường nấu 10kg ngô sẽ cho ra 5 - 6 lít rượu, nếu ngô tốt có thể đạt tới 8 lít.
Thông thường nấu 10kg ngô sẽ cho ra 5 - 6 lít rượu, nếu ngô tốt có thể đạt tới 8 lít.

Rượu được nấu từ nguồn nguyên liệu ngô được lấy từ giống ngô của địa phương, trồng trên các nương có độ cao trên 100m so với mặt nước biển, nấu cùng men lá truyền thống.

Ngô được ủ khoảng 15 ngày là có thể đem đi nấu. Nếu nấu để lửa to thì có thể làm cháy ngô khiến rượu có mùi khét, nếu lửa nhỏ thì rượu chảy chậm. Đổi được ba lượt nước, người nấu rượu sẽ nhấp một chút rượu và biết khi nào thì cất mẻ rượu. Nếu cất sớm, thì phí ngô, phí men, phí công nấu rượu vì rượu thu được ít, nếu cất chậm thì rượu sẽ bị nhạt.

     Rượu ngô Na Hang mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc. 
     Rượu ngô Na Hang mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc. 

Sự hấp dẫn của rượu ngô men lá Na Hang là rượu rót ra trong vắt, có mùi thơm nồng của ngô và men lá, vị cay ngọt tự nhiên, uống êm, lúc tỉnh dậy người không thấy mệt mỏi, không đau đầu, thấy cơ thể sảng khoái, khỏe khoắn. 

Rượu ngô Na Hang không chỉ nổi tiếng bởi người dân luôn tâm huyết với nghề mà còn vì nó như một món quà mang đậm bản sắc văn hóa. Rượu đã trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu, phần nào làm nên niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và người dân Tuyên Quang nói chung.