Kiểm toán Nhà nước quyết định truy thu thuế Unilever gần 600 tỷ đồng

Theo L.Bằng/Vietnamnet

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng của Unilever. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.

Tại văn bản góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế, Kiểm toán Nhà nước vừa đưa ra một con số đáng chú ý.

Theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua cơ quan này đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài như Unilever, Sabeco,... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tranh luận tại Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc cũng nhắc đến vụ Unilever khi nhấn mạnh sẽ “nỗ lực hết sức khi Quốc hội giao cho chúng tôi kiểm toán thuế, hoạt động của cơ quan thuế” và “chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Kiểm toán Nhà nước quyết định truy thu thuế Unilever gần 600 tỷ đồng - Ảnh 1

Ông Hồ Đức Phớc nói: "Đụng vào doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó cũng giãy dụa. Chẳng hạn như Unilever, vừa rồi kiện lên Thủ tướng, lên Ủy ban Tài chính ngân sách. Sau đó, chúng tôi kiểm tra trở lại, thì xác định là 584 tỷ đồng. Giờ Unilever đề nghị được nộp nhưng không xử phạt. Vấn đề xử phạt hay không thì do Tổng cục Thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được".

Trao đổi với báo chí ngày 16/11, ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính), cho hay: Giai đoạn 2009-2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy, giai đoạn này, Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.

Do đó, khi kiểm toán ngân sách TP. Hồ Chí Minh năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng (khác con số Tổng kiểm toán Nhà nước nói là 584 tỷ đồng - PV).

“Sau khi Kiểm toán Nhà nước xác định con số truy thu 575 tỷ đồng, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh có yêu cầu Unilever nộp. Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Cục thuế và Unilever thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nhưng đến nay, Unilever vẫn chưa đồng ý và đang kiến nghị. Công văn mới nhất của Tổng cục Thuế vào ngày 6/11 cũng yêu cầu Cục thuế TP. Hồ Chí minh phối hợp với Unilever làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

“Hiện Unilever vẫn chưa nộp số tiền 575 tỷ đồng này”, ông Vũ Văn Cường cho biết. 

Nghị quyết phiên họp tháng 9/2018 của Chính phủ có ghi: Về xử lý các vướng mắc của DN do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN trong thời gian trước 2014.

Giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trường hợp vướng mắc của DN do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN trong thời gian trước 2014 (như Nhà máy Thăng Long của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Dự án Nhà máy Cần Thơ – Pepsico – Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam mở rộng đầu tư giai đoạn 2009 – 2013) báo cáo Thủ tướng trên tinh thần đảm bảo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật

Tin Cùng Chuyên Mục