Làng nghề gốm sứ nghìn năm tuổi Kim Lan: Vẫn chờ cơ hội “tái sinh”…?!

Hương Trang

Tuy có lịch sử phát triển hơn nghìn năm tuổi và có khoảng thời gian cực thịnh, nhưng làng gốm Kim Lan lại khá “im ắng” bên cạnh cái tên Gốm sứ Bát Tràng. Và hiện nay, tuy đã dần được khôi phục, nhưng thật đáng buồn khi một số nghệ nhân làng nghề cho biết, các sản phẩm sản xuất tại đây vẫn phải “mượn danh” gốm Bát Tràng để tiêu thụ. Bởi vậy, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn mong mỏi một cơ hội “tái sinh” cho làng nghề.

Làng nghề gốm sứ nghìn năm tuổi…

Chỉ cách làng gốm sứ Bát Tràng một con sông, nhưng làng gốm cổ Kim Lan không có được sự bề thế, sầm uất như “đàn anh” Bát Tràng. Đường vào làng nhỏ bé, khiêm nhường với những ngôi nhà đơn giản chất đầy các lọ hoa, chậu cảnh, tiểu cảnh, gạch ngói xây dựng…

Các nghệ nhân làng nghề gốm sứ Kim Lan cho biết: Khi các nhà khảo cổ khai quật di chỉ Hàm Rồng của làng gốm, họ thấy một số hiện vật trùng khớp với các sản phẩm hiện trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu, Hà Nội) nên đã khẳng định: Chính Kim Lan là nơi sản xuất ra các sản phẩm gốm, viên gạch để xây dựng lên Hoàng Thành Thăng Long và cũng chỉ duy nhất Kim Lan có các hiện vật này.

Làng nghề gốm sứ nghìn năm tuổi Kim Lan: Vẫn chờ cơ hội “tái sinh”…?! - Ảnh 1

Cũng trên cơ sở đánh giá về lịch sử, các nhà khảo cổ nhận định, các di chỉ này có từ thế kỷ thứ XIX. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Kim Lan bị mai một. 40 trở lại đây, làng nghề mới chính thức được phục dựng lại nhờ những nghệ nhân tâm huyết và các con em của làng nghề. Hiện, làng nghề chủ yếu sản xuất và đi sâu vào một số dòng hàng dân dụng, bình dân như lọ hoa, chậu hoa, đồ thờ cúng… Tuy làng nghề xưa đang dần được khôi phục nhưng thật đáng buồn khi một số nghệ nhân làng nghề cho biết, các sản phẩm sản xuất tại đây vẫn phải “mượn danh” gốm Bát Tràng để tiêu thụ. Bởi vậy, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn mong mỏi một cơ hội tái sinh cho làng nghề.

Hội gốm Kim Lan
Hội gốm Kim Lan

Các cụ ta vẫn nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì mới có cơ hội phát triển, nhưng vùng đất Kim Lan lại hơi “phức tạp” khi phải đi “nhờ” qua một phần đất của tỉnh Hưng Yên nên rất bất tiện về đường xá, giao thương cũng không mấy thuận tiện là vì thế. Đặc điểm đó đã ảnh hưởng đến tính cách, người dân nơi đây cũng vì thế mà chân chất, thật thà, giản dị và rất dễ gần. Họ chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh và luôn miệt mài, nỗ lực từng ngày, với mong muốn phục dựng và phát triển làng nghề… Nhờ bàn tay, khối óc và bầu nhiệt huyết của những nghệ nhân, những năm gần đây, sản phẩm gốm sứ Kim Lan tinh xảo hơn, mẫu mã đa dạng hơn, và nhiều người đã biết đến làng nghề gốm sứ Kim Lan ấn tượng một thời này.

Nỗ lực của những người con làng nghề!

Là người con sinh ra tại làng gốm Kim Lan, Nghệ nhân Phạm Hà (Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên). Trong gian trưng bày sản phẩm và cũng là xưởng sản xuất của mình, anh cho biết: Trước kia, cha anh cũng làm công nhân tại Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, nhiều người trong gia tộc cũng cống hiến, gắn bó và sinh sống tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng nên truyền nghề lại cho con cháu. Đó vừa là nghề cổ truyền, vừa là nghề gia truyền. Đặc biệt, anh cảm thấy may mắn khi được sinh ra tại làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi Kim Lan vì thế anh luôn nỗ lực, cố gắng để sản phẩm ngày càng đẹp hơn, sáng tạo ra những mẫu mã mới độc đáo hơn, tinh tế hơn để gìn giữ các giá trị cho đời con, đời cháu và muôn đời sau.

Nghệ nhân Phạm Hà (Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên)
Nghệ nhân Phạm Hà (Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên)

Sản phẩm chủ đạo của Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên do Nghệ nhân Phạm Hà làm chủ là dòng tranh gốm sứ. Từ năm 1999, anh bắt tay vào làm nghề, anh là người đầu tiên và đến nay cũng là người duy trì, phát triển dòng sản phẩm này. Khi mới khởi nghiệp, vợ chồng anh đã xác định phải có hướng đi riêng và phải tạo sự khác biệt, đóng góp nhỏ bé công sức của mình vào việc phục dựng làng nghề, làm cho nghề truyền thống của quê hương thêm sắc nét và đa dạng hơn. Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng học hỏi, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về dòng tranh gốm sứ, cũng như dòng sản phẩm bình gốm đắp nổi...

Sau khi những bức tranh đầu tiên hoàn thiện, khách hàng rất thích. Thứ nhất bởi độ bền của sản phẩm là vĩnh cửu (có thể tồn tại hàng ngàn năm); Màu sắc thì không bao giờ phai mờ (vì được nung cho lò nung có nhiệt độ tới 1.200 độ). Thành công của những sản phẩm tranh, anh bắt đầu sáng tạo ra các sản phẩm mới (bình hoa, bình hút lộc…). Nghệ nhân Phạm Hà chia sẻ: “Trong tâm khảm, anh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Trong lao động phải có sáng tạo”. Với tư duy nhạy bén, sáng tạo và chịu khó học hỏi, anh luôn nỗ lực học hỏi, lao động không ngừng để tạo ra các sản phẩm giá trị hơn, chất lượng hơn phục vụ nhu cầu của mọi khách hàng”.

Các sản phẩm Hà Chuyên
Các sản phẩm Hà Chuyên

Trong gốm sứ, làm tranh là một lĩnh vực vô cùng khó, những đòi hỏi về mặt thẩm mỹ và độ khó của nó. Có lẽ cũng vì thế, cả làng nghề Kim Lan, chỉ duy nhất anh làm tranh gốm. Bên cạnh dòng tranh gốm thông thường, anh còn làm tranh ghép sân vườn, biệt thự có kích thước hàng chục mét. Dòng tranh này không chỉ đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ và sáng tạo rất lớn. Nhưng cũng vì “độ khó” của các sản phẩm này mà anh nổi tiếng khắp vùng và tạo được dấu ấn rất riêng.

Cũng như tâm tư của bao nghệ nhân, chủ xưởng sản xuất khác của làng nghề gốm sứ Kim Lan, Nghệ nhân Phạm Hà chia sẻ: “Nói đến gốm sứ nhưng nhiều người chỉ biết đến Bát Tràng chứ Kim Lan rất ít. Trong khi đó, việc tìm hiểu thị trường nước ngoài, kết nối giao thương rất phức tạp, chi phí lớn, mất nhiều thời gian nên người tiêu dùng càng khó tiếp cận. Vì đầu ra vẫn còn khó khăn nên những người dân làng nghề gốm sứ Kim Lan mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ với những chiến lược truyền thông quy mô lớn để nhiều người biết đến làng gốm cổ một thời phát triển khá rực rỡ này. Làm sao kết nối thành tour du lịch Bát Tràng – Kim Lan – Văn Đức, để Kim Lan trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, khi đó hoạt động giao thương làng nghề mới mong được phục hồi, tái sinh…”.

Nghệ nhân Phương giới thiệu về mô hình làng gốm xưa
Nghệ nhân Phương giới thiệu về mô hình làng gốm xưa

Dẫn chúng tôi đi thăm quan Hội gốm sứ Kim Lan và Bảo tàng gốm sứ Kim Lan, Nghệ nhân Nguyễn Chí Phương (chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Phương Liễu) cho hay: Anh rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên tại làng gốm cổ Kim Lan - nơi mà cha ông đã có truyền thống lâu đời làm gốm. Anh cho biết, khi còn bé anh đã tham gia vào việc sản xuất và kinh doanh gốm sứ, với những công việc phù hợp với lứa tuổi. nghề truyền thống của làng đã theo anh từ đó… Với những nỗ lực và tâm huyết với nghề, anh đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Đây cũng là niềm tự hào rất lớn cho quê hương Kim Lan, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, sáng tạo của người làm nghề gốm sứ truyền thống.

 

Nghệ nhân Nguyễn Chí Phương:

“Từ trong tâm, tôi luôn có ý thức làm được những điều tốt đẹp nhất cho xã hội nói chung, cho làng nghề nơi tôi sinh ra và lớn lên nói riêng. Tôi rất tự hào là người con của làng gốm cổ Kim Lan với truyền thống nghìn năm. Để xứng đáng với truyền thống của cha ông, tôi luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi, trau dồi kiến thức,  kỹ năng để làm ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo, được đông đảo khách hàng ưa chuộng và tin dùng. Ngoài sự cố gắng, tôi cùng Ban chấp hành Câu lạc bộ nghệ nhân thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, trao đổi, hướng dẫn cho hội viên kinh nghiệm để khắc phục những kỹ thuật còn yếu và phát huy sở trường cùng thế mạnh của họ, với mong muốn làng nghề ngày càng phát triển hơn.

Cũng như các làng nghề khác, làng nghề Kim Lan còn rất nhiều khó khăn và phát triển chưa xứng tầm. Là con em của làng nghề, chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền và ban ngành liên quan hàng năm hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi, mở những triển lãm quảng bá sản phẩm,  mở lớp dạy về bán hàng, đào tạo nghề hoặc nâng cao trình độ nghề cho con em làng nghề. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho Kim Lan có được khu trưng bày giới thiệu sản quy mô xứng với lịch sử cũng như sự phát triển bền vững của làng nghề”…

Tin Cùng Chuyên Mục