Làng nghề truyền thống huyện Thanh Trì: Nâng cao vị thế, phát triển kinh tế

Quang Linh

Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của huyện Thanh Trì, các làng nghề trên địa bàn huyện đã không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó có làng nghề sản xuất bánh kẹo Nội Am đang ngày một tân tiến và trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng với mặt hàng bánh Trung thu.

Nâng cao vị thế…

Làng nghề sản xuất bánh kẹo Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Làng có nghề làm bánh, kẹo, bánh Trung thu, bánh chả, bánh vừng vòng… truyền thống. Theo ông Hoàng Văn Tươi - Chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long: Từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, Nội Am có 183/728 hộ làm bánh kẹo, bánh Trung thu truyền thống; Số lao động làm nghề là 282 người, chiếm 20% tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt gần 70 triệu đồng/năm.

Làng nghề truyền thống huyện Thanh Trì: Nâng cao vị thế, phát triển kinh tế - Ảnh 1

Ông Tươi cho biết, các gia đình ở Nội Am thường chỉ sản xuất bánh Trung thu vị truyền thống nhân thập cẩm. Để làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh (đối với bánh nướng). Khâu kỳ công nhất là làm nhân bánh bao gồm rất nhiều nguyên liệu như: Mỡ phần làm chín, đường kính, mứt bí, mứt sen, lạp sườn, xá xíu, hạt dưa rang chín, hạt vừng rang chín, nước sạch, lá chanh, quất xanh… Ngoài ra, các hộ dân ở làng Nội Am còn làm bánh vừng vòng, bánh trứng nhện, mứt Tết… Theo thống kê, năm 2022, làng Nội Am có 183 hộ có nghề làm bánh, mứt kẹo, chiếm 25% tổng số hộ của làng. Số lao động tham gia làm nghề là 282 người, chiếm 20% tổng số lao động trong độ tuổi của làng. Ước tính, giá trị sản xuất bánh kẹo đạt hơn 16 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 70 triệu đồng/người/năm. Làng Nội Am đã được UBND thành phố Hà Nội xét công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” vào cuối năm 2022.

Nhờ làng nghề phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Nội Am ngày càng được nâng cao; Đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa phong quang, sạch, đẹp; Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân trong làng phát triển mạnh.  Theo Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông, từ năm 2021, xã Liên Ninh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, làng Nội Am đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa xã Liên Ninh trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì.

Sự kiện làng nghề sản xuất bánh kẹo Nội Am được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” sẽ tạo tiền đề cho làng nghề phát triển. Thời gian tới, Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì phối hợp với xã Liên Ninh tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các hộ dân chọn sản phẩm dự thi Chương trình OCOP của thành phố.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông cho biết: Xã đã xác định rõ, một trong những mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nghề, làng nghề của địa phương có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Từ định hướng đó, xã đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông được nâng cấp, hệ thống lưới điện được cải tạo... để làng nghề phát triển.

Làng nghề truyền thống huyện Thanh Trì: Nâng cao vị thế, phát triển kinh tế - Ảnh 2

Cùng với đó, các gia đình làm nghề trong làng cũng không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Nếu như những năm trước, nghề làm bánh truyền thống của làng Nội Am hoàn toàn bằng thủ công thì hiện nay, nhiều hộ đã đầu tư máy móc vào các công đoạn nhào nha, nướng bánh, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc ghi nhãn mác sản phẩm, thời hạn sử dụng, ghi rõ địa chỉ sản xuất cũng được các cơ sở sản xuất trong làng quan tâm, thể hiện trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.

Xã cũng tập trung hỗ trợ người dân củng cố chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín lâu dài trên thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu cho làng nghề; Khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, cải tiến mẫu mã, đổi mới công nghệ, xây dựng, phát triển khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề giúp người dân phát triển kinh tế và phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương.

Việc phát triển của các làng nghề đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động nông thôn, không chỉ với những người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già và trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật từ đời này qua đời khác.

 

Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong đó, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ sản xuất; Thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các làng nghề; Phối hợp với các sở, ngành triển khai tư vấn, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các làng nghề; Đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh thiết kế mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng; Tăng cường hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm làng nghề đã được công nhận OCOP vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc...

Tin Cùng Chuyên Mục