Lộ diện nhà đầu tư Dự án Điện khí LNG gần 2 tỷ USD ở Thái Bình

Trung Hiếu

Liên danh TTVN Group được giao đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG quy mô gần 2 tỷ USD nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG tại tỉnh Thái Bình. Trước đó, tập đoàn đã hợp tác với đối tác ngoại đầu tư thành công 4 dự án, có 2 trong số đó đã bán phần lớn cổ phần.

Liên danh TTVN Group được giao đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG quy mô gần 2 tỷ USD nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG tại tỉnh Thái Bình.
Liên danh TTVN Group được giao đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG quy mô gần 2 tỷ USD nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG tại tỉnh Thái Bình.

Được chấp thuận đầu tư nhà máy điện khí LNG gần 2 tỷ USD

Ngày 16/12 vừa qua, liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam (TTVN Group) đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG công suất 1.500MW, vốn đầu tư 1,99 tỷ USD tại tỉnh Thái Bình.

Dự án nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy. Đây là dự án lớn mang tầm vóc quốc gia, nằm trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện thuộc Quy hoạch điện VIII, đóng vai trò quan trọng trong cam kết dịch chuyển năng lượng xanh, sạch của Chính phủ.

TTVN Group đề xuất đầu tư dự án Trung tâm Điện – Khí LNG công suất 4.500 MW với lãnh đạo tỉnh Thái Bình từ 2020. Đến cuối 2022, TTVN Group thông báo đã cùng Tokyo Gas và Kyushu ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí LNG giai đoạn 1 quy mô 1.500 MW.

Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện – Khí LNG xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, nhu cầu sử dụng đất khoảng 193ha với quy mô tổng công suất 4.500MW sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu (LNG). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5,864 tỷ USD.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

TTVN Group có tiềm lực như thế nào?

TTVN Group thành lập 2012 với tên gọi ban đầu Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Trường Thành Việt Nam với vốn 30 tỷ đồng, Chủ tịch và cũng là người chủ sở hữu là ông Đặng Trung Kiên, sinh năm 1973.

Đến 2017, công ty tăng vốn lên 600 tỷ đồng và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cơ cấu cổ đông không được công bố. Tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, doanh nhân Đặng Trung Kiên cho biết từ doanh nghiệp nhỏ quy mô 30 tỷ đồng, đến cuối 2022 TTVN Group đã thành tập đoàn đa ngành có vốn 3.200 tỷ đồng với 20 công ty con, công ty liên kết hoạt động ở 18 tỉnh trên khắp 3 miền của đất nước.

Trải qua giai đoạn đầu khởi nghiệp làm đủ ngành nghề từ kinh doanh khai thác mỏ, kinh doanh gỗ, kinh doanh các dự án xây dựng… doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trong vào 2 lĩnh vực chính gồm năng lượng và bất động sản.

TTVN Group cho biết đã đầu tư thành công và đưa vào vận hành 4 dự án năng lượng tái tạo và một số cụm dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 412 MW. Cả 4 dự án đều hợp tác với đối tác nước ngoài và 2 trong số đó tập đoàn đã bán phần lớn cổ phần.

Cụ thể, TTVN Group cùng Tập đoàn B.Gimm (Thái Lan) đầu tư nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (Phú Yên) trên diện tích 256 ha, công suất thiết kế 257 MWp, tổng đầu tư 4.985 tỷ đồng. Nhà máy khởi công vào cuối 2018 và đi vào vận hành từ tháng 6/2019 (đúng tiến độ đề ra là trong quý II/2019).

Hai bên đã thành lập doanh nghiệp dự án là CTCP TTP Phú Yên. Trong giai đoạn đầu, B.Grimm góp 80% vốn và Trường Thành góp 20% vốn. Đến tháng 5 vừa qua, TTVN Group đã chuyển nhượng 15% cổ phần TTP Phú Yên cho Tập đoàn Yonden (Shikoku Electric Power Co., Inc.) của Nhật Bản.

Trong cùng khoảng thời gian, tập đoàn cùng với Qair International (Pháp) đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, công suất 49,45 MWp, vốn 1.139 tỷ đồng. Ngày khởi công và hoàn thành từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2019. CTCP Năng lượng và Công nghệ cao TTP Bình Định (TTP Bình Định) được thành lập để thực hiện dự án, trong đó Qair Internationl sở hữu 70% cổ phần phổ thông và tất cả cổ phần ưu đãi, TTVN nắm 30% cổ phần phổ thông.Vào cuối 2020, doanh nghiệp của doanh nhân Đặng Trung Kiên đã chuyển nhượng toàn bộ 30% cổ phần phổ thông TTP Bình Định cho Công ty TNHH Kumagai Gumi (Nhật Bản). Đồng thời, đối tác Nhật Bản cũng đã mua 30% cổ phần ưu đãi từ Qair International để sở hữu 30% cổ phần pha loãng hoàn toàn nhà máy Cát Hiệp.

Dự án nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên (Quảng Ngãi) quy mô 56 ha, công suất 49,6 MWp, tổng đầu tư 1.138 tỷ đồng cũng được khánh thành vào tháng 6/2019 sau 9 tháng khởi công. Đây là dự án mà TTVN Group hợp tác với Công ty Sermsang Power Corporation (Thái Lan) thực hiện.

Sau đó, TTVN Group bắt tay tiếp với tập đoàn đến từ Thái Lan phát triển dự án nhà máy điện gió V1-2, công suất 48 MW, tổng đầu tư 2.232 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 8/2020 và đi vào vận hành thương mại tháng 10/2021 (kịp hưởng giá ưu đãi).

Ở mảng bất động sản, tập đoàn có 14 dự án trong danh mục đầu tư nằm rải rác ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Hưng Yên, Long An... Có 2 dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 là khu đô thị mới Xuân An tại Hà Tĩnh và khu nhà ở nông thôn kết hợp thương mại dịch vụ Nghĩa An tại Quảng Ngãi. 1 dự án đã khởi công vào tháng 5/2022 là khu biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Xép và 1 dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng là khu du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe suốt khoáng nóng Hội Vân. Các dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý.

Trong tương lai, người đứng đầu tập đoàn cho biết TTVN Group mục tiêu hướng đến là trở thành một trong 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, và từng bước vươn tầm khu vực trong 2 lĩnh vực chính năng lượng và bất động sản. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tăng cường phát triển các dự án điện gió, điện khí với quy mô lớn, đồng thời nghiên cứu mở rộng hoạt động sang hướng phát triển các dự án biomass, hydrogen và tính đến khả năng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon - đang có xu hướng nóng lên sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP-26).

Tin Cùng Chuyên Mục