Lợi nhuận Sabeco (SAB) tăng trưởng âm quý thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu về đáy 3 năm

Trung Hiếu

Trong quý III/2023, Sabeco ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận Sabeco tăng trưởng âm quý thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu về đáy 3 năm
Lợi nhuận Sabeco tăng trưởng âm quý thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu về đáy 3 năm

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2023 với doanh thu thuần đạt 7.415 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Sabeco tăng 31,3% lên hơn 373 tỷ đồng chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính tăng gần 47% lên 19,4 tỷ đồng còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả, Sabeco báo lãi sau thuế trong quý III/2023 đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ tư liên tiếp, công ty này ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm. Sabeco cho biết, nguyên nhân kết quả kinh doanh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không giảm nhiều.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.941 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.288,5 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ.Trong năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện trong năm 2022.

Như vậy, kết thúc 3 quý đầu năm, Sabeco đã hoàn thành được 54,5% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.Kết quả kinh doanh đi xuống nhưng điểm cộng của Sabeco vẫn là tình hình tài chính lành mạnh.

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm cuối quý 3/2023 là 33.426 tỷ đồng, với tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn gần 22.400 tỷ đồng (chiếm 67% tổng tài sản). 9 tháng đầu năm nay, công ty thu về hơn 1.052 tỷ đồng tiền lãi.

Ngược lại, Sabeco chỉ đi vay 648 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 26.519 tỷ đồng, bao gồm 17.637 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường, cổ phiếu của Sabeco đang trong giai đoạn lao dốc. Từ đầu tháng 9 đến nay, mã đã giảm 20% giá trị, từ vùng giá hơn 80.000 đồng lùi về 66.000 đồng (kết phiên 26/10). SAB vốn là một trong những mã đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên sau khi công ty thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 100%, thị giá đã được điều chỉnh.

Cùng hoạt động trong ngành bia, nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2023, điển hình như CTCP Habeco Hải Phòng báo lỗ 9,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 4 tỷ đồng; CTCP Bia Sài Gòn Hà Nội giảm lợi nhuận sau thuế từ 47 tỷ đồng xuống còn 36 tỷ đồng; CTCP Bia Hà Nội Hải Dương lãi 7,2 tỷ đồng (giảm 30% so với 9 tháng đầu năm 2022);...

Trong báo cáo trước đó, SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu của các công ty F&B trong năm 2023 sẽ không cao khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn. Với SAB, nhóm phân tích này dự báo SAB sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần và lãi ròng năm 2023 lần lượt là 13% và 5,3% so với cùng kỳ.

Ngoài ra SSI Research giữ quan điểm thận trọng hơn về triển vọng của ngành bia trong năm 2023, do áp lực suy thoái kinh tế đối với sức mua của người tiêu dùng và chi phí đầu vào gia tăng. Nhu cầu bia nói chung có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Trong khi đó, tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

Tin Cùng Chuyên Mục