Luật sư Bùi Phương Lan: Cần trả lại 4.500 tỷ cho các bị cáo khắc phục hậu quả

Đông Phong

Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng vì VNCB không được chấp thuận cho tăng viốn điều lệ nên ngân hàng này cần trả lại 4.500 tỷ đồng cho các bị cáo khắc phục hậu quả.

Luật sư Bùi Phương Lan: Cần trả lại 4.500 tỷ cho các bị cáo khắc phục hậu quả - Ảnh 1
Luật sư Bùi Phương Lan

Trong phiên xét xử sơ thẩm đại án ngành ngân hàng Phạm Công Danh chiều nay 22/01/2018, bào chữa cho bị cáo Danh, Luật sư Bùi Phương Lan (VPLS Danh Chính) cho rằng:

Các bị cáo khai số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, vào thời điểm các bị cáo bị khởi tố, tạm giam vẫn còn trong VNCB.

Sau đó, Ngân hàng nhà nước không chấp nhận cho tăng vốn, vậy phải trả lại để các bị cáo khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, VNCB cho rằng số tiền góp vốn đã hòa vào dòng tiền chung của VNCB, không thể bóc tách được, đã bị các bị cáo rút ra sử dụng hết nên không thể trả lại.

Căn cứ tài liệu điều tra, số tiền 4.500 tỷ được đã được nộp đầy đủ vào VNCB, sau đó đã được chuyển đến tài khoản của VNCB tại sở giao dịch Ngân hàng nhà nước bằng 5 lệnh điều chuyển vốn.

Để chứng minh cho việc sử dụng hết số tiền trên, VNCB đã cung cấp các tài liệu, chứng cứ, cụ thể như Biên bản làm việc ngày 09/06/2014, Biên bản giải trình ngày 16/01/2018.

Tuy nhiên, những nội dung trong các tài liệu trên không đủ căn cứ chứng minh việc các bị cáo đã rút hết số tiền 4.500 tỷ để sử dụng.

Ví dụ: Biên bản giải trình ngày 16/01/2018 cùng với 110 trang tài liệu chứng minh dòng tiền trong tài khoản của VNCB tại sở giao dịch Ngân hàng nhà nước từ 14/02/2014 đến 26/07/2014.

Tuy nhiên, như các bị cáo đã trình bày tại tòa, đây chỉ là một trong nhiều tài khoản của VNCB, và là tài khoản trung gian.

Việc chứng minh dòng tiền trong một tài khoản không đủ căn cứ chứng minh các bị cáo đã rút ra, sử dụng hết số tiền 4.500 tỷ đã nộp vào Ngân hàng.

Sau khi VNCB cung cấp tài liệu ngày 16/01/2018, nhóm luật sư của bị cáo Phạm Công Danh đã có văn bản gửi HĐXX đề nghị HĐXX yêu cầu VNCB cung cấp các tài liệu liên quan đến việc kiểm toán Ngân hàng trong thời gian kể từ khi khởi tố vụ án đến nay để xem xét một cách đầy đủ, toàn diện về việc sử dụng số tiền 4.500 tỷ.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng các tài liệu trên là thuộc về bí mật kinh doanh của Ngân hàng nên không thể cung cấp.

Nếu không làm rõ được việc các bị cáo đã sử dụng số tiền 4.500 tỷ vào mục đích cá nhân mà chỉ căn cứ vào quan điểm của VNCB là số tiền đó đã được “hòa chung” vào dòng tiền của VNCB, không thể bóc tách được để không trả lại thì không những ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các bị cáo mà còn ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại cho chính VNCB.

Nếu chấp nhận quan điểm số tiền đã được “hòa chung” thì cần xem xét lại thiệt hại của VNCB liên quan đến khoản vay tại BIDV, bởi vì: Nếu xét cả đầu ra và đầu vào của dòng tiền, các bị cáo đã sử dụng 3.070 tỷ tiền gửi của VNCB để cầm cố, đảm bảo cho khoản vay của 12 công ty. Hành vi đó được xác định là cố ý làm trái.

Tuy nhiên, nếu xét dòng tiền đi vào thì thấy rằng, xuất phát từ số tiền 3.070 tỷ đó, các bị cáo đã đưa về cho VNCB số tiền 4.500 tỷ dưới hình thức góp vốn mua cổ phần, và sau đó, số tiền 4.500 tỷ đã “hòa vào dòng tiền của VNCB và được sử dụng hết”.

Vậy nếu xét toàn diện thì VNCB không những không bị thiệt hại mà còn hưởng lợi đối với hành vi này.

Từ đó thấy rằng, có hành vi cố ý làm trái nhưng không có thiệt hại nên không cấu thành tội phạm.

Do đó, cần xem xét, đình chỉ vụ án đối với tất cả các bị cáo liên quan đến hành vi vay vốn tại BIDV.

Nếu chấp nhận quan điểm số tiền đó đã được “hòa chung”, và VNCB không có trách nhiệm trả lại, trong khi vẫn buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại theo cách tính của Cáo trạng thì VNCB sẽ được hưởng lợi kép, bởi vì VNCB vừa được sử dụng số tiền 4.500 tỷ do các bị cáo phạm tội mà có nộp vào để tăng vốn điều lệ, vừa được quyền yêu cầu các bị cáo tiếp tục bồi thường thiệt hại.