Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với sáng chế (Bài 2)

Luật sư Đậu Thị Quyên - Co-Founder & CEO VIPMAC

Sáng chế là một đối tượng chứa đựng hàm lượng chất xám nhiều nhất trong số các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Thông thường, doanh chủ thường nghĩ “sáng chế” là một phát minh hoặc một công nghệ nào đó cao siêu nên không bao giờ nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế dù các sản phẩm hoặc quy trình đó có nhiều khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

Trên thực tế, sáng chế có thể là những sản phẩm hoặc quy trình rất gần gũi với cuộc sống thường ngày. Việc công bố sáng chế trước khi nộp đơn là lý do khiến cho rất nhiều doanh chủ không đăng ký bảo hộ được sáng chế do đã làm mất tính mới. Vì vậy, nắm rõ 5 bước xác lập quyền đối với sáng chế dưới đây sẽ là chìa khóa giúp doanh chủ bảo vệ được sáng chế của mình.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với sáng chế (Bài 2) - Ảnh 1

 

Bước 1: Hiểu căn bản về sáng chế

Sáng chế phải là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình. Do vậy, chỉ khi nào doanh chủ có một sản phẩm, hoặc một quy trình thì mới nghĩ đến việc bảo hộ sáng chế. Chẳng hạn, bàn chải đánh răng tích hợp kem đánh răng trong bàn chải để thuận tiện cho người sử dụng. Hay như quy trình chế tạo dầu dừa nguyên sinh…

Một công thức chế tạo món ăn có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế nếu như người đó công bố hết các quy trình, liều lượng, cách thức, nhiệt độ sôi, thời gian nấu… nhưng việc bảo hộ sáng chế như vậy sẽ không đảm bảo yêu cầu về mặt “độc quyền”. Ai cũng có thể dễ dàng xâm phạm và sử dụng công thức đó, nên đó là lý do mà các công thức sẽ được giữ lại để làm “bí mật kinh doanh”. Ngay khi có một sản phẩm hay quy trình, điều đầu tiên đó là cần trả lời xem liệu nó có khả năng bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế hay không, bằng cách trao đổi với luật sư hoặc người có nghĩa vụ bảo mật thông tin đó.

Bước 2: Nộp đơn trước khi “công bố”

Đây là bước mà nhà sáng chế thường xuyên mắc sai lầm khi làm ngược lại tức là tiến hành sản xuất, công bố, thử nghiệm…xong xuôi hết rồi mới nộp đơn. Việc công bố trước khi nộp đơn như vậy sẽ làm mất tính mới của sáng chế và đó là lý do mà rất nhiều đơn đăng ký sáng chế bị từ chối vì đã bộc lộ trước ngày nộp đơn. Doanh chủ chưa cần phải đầu tư chế tạo, lắp ráp, vận hành…trên thực tế mà chỉ cần mô phỏng thông qua các bản vẽ, hình vẽ và diễn tả giải pháp kỹ thuật đó.

Trước khi nộp đơn cần tra cứu kỹ xem trên thị trường trong nước và thế giới đã có những sáng chế nào trùng, tương tự với sáng chế của mình hay không. Lưu ý, việc đánh giá trùng hoặc tương tự phải cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn vì nó sẽ phụ thuộc vào việc mình yêu cầu bảo hộ những điểm nào chứ không phải cứ trùng hoặc tương tự là sẽ “bỏ cuộc”.

Trong đơn đăng ký, cũng cần quyết định xem có lựa chọn bảo hộ “giải pháp hữu ích” nếu như đơn đăng ký của mình không đạt yêu cầu về trình độ sáng tạo thì Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ tự động cấp văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích (sáng chế dạng thấp) cho mình hay không.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với sáng chế (Bài 2) - Ảnh 2

 Luật sư Đậu Thị Quyên, Co-Founder & CEO, VIPMAC

Bước 3: Tiến hành xem xét đánh giá thị trường để quyết định công bố hay không công bố

Sau khi nộp đơn, chủ sở hữu sẽ cần phải xem xét, quan sát và đánh giá thị trường xem nên công bố hay không công bố sáng chế. Trong trường hợp nhận thấy nếu công bố sáng chế là có lợi thì nên tiến hành công bố sáng chế bằng một đơn yêu cầu công bố sớm sáng chế gửi lên Cục SHTT.

Nếu việc công bố là không có lợi thì chủ sở hữu có thể “ém” thị trường để chờ thời cơ. Việc này chỉ thực hiện đối với những doanh nghiệp, doanh chủ có độ nhìn nhận thị trường và quan sát đối thủ. Đây cũng là thời điểm mà doanh chủ có thể thực hiện “quyền tạm thời” luật định để gửi văn bản đến những người đang có hành vi sử dụng sáng chế nhằm mục đích thương mại mà người đó không có quyền sử dụng trước.

Bước 4: Theo dõi đơn

Bước này tiến hành song song với bước 2 và bước 3 để đảm bảo đơn của mình đang đi theo đúng các trình tự thẩm định ở Cục SHTT. Bên cạnh đó, việc theo dõi đơn là cách để chủ sở hữu sáng chế đưa ra các quyết định tương ứng phù hợp với yêu cầu của thực tế ví dụ như công bố đơn, yêu cầu thẩm định nội dung đơn, hay các yêu cầu khác đối với đơn đăng ký sáng chế của mình.

Doanh chủ cũng cần đặt câu hỏi “liệu có khai thác thương mại được sáng chế này hay không” ngay từ bước thứ 2 và suốt quá trình theo dõi đơn để đánh giá vai trò thương mại của sáng chế. Nếu được cấp văn bằng nhưng không khai thác thương mại thì sáng chế chỉ “mang danh nghĩa” mà thôi. Do vậy, đối với sáng chế, câu hỏi thường trực sẽ luôn là “có kiếm tiền được từ sáng chế này hay không”.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với sáng chế (Bài 2) - Ảnh 3

 

Bước 5: Tiếp nhận kết quả

Đơn đăng ký sáng chế sẽ có hai hướng kết quả như những đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Một là được bảo hộ và hai là bị từ chối bảo hộ. Cục SHTT sẽ ban hành các quyết định tương ứng.

Ở giai đoạn này, nếu bị từ chối, Cục SHTT cũng sẽ nêu rõ trong văn bản dự định từ chối về các điểm yêu cầu bảo hộ và có các hướng dẫn phù hợp để chủ sở hữu tiến hành các bước tiếp theo.

Ở bước này, nếu đơn suôn sẻ, tức được cấp văn bằng, doanh chủ có thể tự mình nộp phí và các công việc hành chính khác. Nếu như bị dự định từ chối đơn, doanh chủ nên tham vấn ý kiến của những người có chuyên môn để có  phúc đáp phù hợp với Cục SHTT nhằm đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình.

Việc xác lập quyền đối với sáng chế có thể kéo dài từ 2 - 5 năm hoặc hơn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, doanh chủ cần quan tâm đến khía cạnh khai thác thương mại của sáng chế nhiều hơn là chỉ chú tâm vào việc kết quả được độc quyền hay không độc quyền. Doanh chủ cũng có thể chọn nộp đơn sáng chế ở một quốc gia mục tiêu nào đó nếu xét thấy muốn độc quyền ở quốc gia đó và quy trình thẩm định đơn có nhiều khả quan. (Còn tiếp)…