Mỹ-Trung áp thuế bổ sung mới - Thương chiến leo thang

Theo Phạm Hà/VOV

Đợt thuế bổ sung của Mỹ-Trung Quốc áp với hàng hóa của nhau đã có hiệu lực ngày 1/9. Thế giới đang hồi hộp chờ đợi diễn biến mới của cuộc thương chiến.

Theo vòng áp đặt mới, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với ước tính trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép.

Về phía Trung Quốc, nước này cũng bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với hơn 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế, kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.

Mỹ-Trung áp thuế bổ sung mới - Thương chiến leo thang - Ảnh 1
Việc áp đặt thuế mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty, nhân công và người tiêu dùng ở cả hai nước. (Ảnh: AFP)

Việc áp đặt thuế mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty, nhân công và người tiêu dùng ở cả hai nước. Đánh giá về tác động các biện pháp đánh thuế mới của Mỹ, một số tờ báo của Trung Quốc cho rằng sẽ không ngăn cản sự phát triển của nước này và Trung Quốc vẫn là đích đến của các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các biện pháp đánh thuế nhằm vào Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế nước này phát triển chậm lại, tác động cả đến các nước khác trong khu vực. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tuần trước cũng chịu áp lực và giảm xuống mức thấp nhất 11 năm qua so với đồng USD.

Trong khi đó, vòng áp thuế quan trước của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mặt hàng điện tử, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp này 10 tỷ USD kể từ tháng 7/2018. Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng Mỹ (CTA) cho rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ không thấy giá tăng ngay lập tức từ hôm nay, nhưng giá các mặt hàng điện tử sẽ tăng vào tháng 11 tới với vòng áp thuế thứ 2 có hiệu lực, đúng vào thời điểm mùa mua sắm sôi động nhất.

Phó Giám đốc điều hành Hiệp hội da giày và may mặc Mỹ  Steve Lamar kêu gọi hai nước cần chấm dứt các biện pháp đánh thuế lẫn nhau: “Chúng tôi đang đề nghị Tổng thống Mỹ và cả chính phủ Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán, chấm dứt chiến lược áp thuế trả đũa lẫn nhau này. Đây là biện pháp không tích cực và hiệu quả. Những gì chúng ta cần làm đó là bình tĩnh đối thoại hiệu quả. Hãy chấm dứt đánh thuế, đối thoại để đạt được thỏa thận, thúc đẩy mối quan hệ đối tác vững mạnh là điều nên làm hiện nay”.

Biện pháp đánh thuế mới nhất được thực hiện ngay trước vòng đàm phán giữa hai bên vào tháng này, có thể là "chất xúc tác" để hai cường quốc ngồi xuống đối thoại với thiện chí cần phải thỏa hiệp lẫn nhau. Tuy nhiên, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế không mấy lạc quan vào triển vọng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận đình chiến sớm.

Chuyên gia kinh tế Evans Pritchard thuộc viện kinh tế Capital Economics tại Mỹ nhận định, kể từ khi các cuộc đối thoại thương mại song phương đổ vỡ vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc dường như đưa ra lập trường cứng rắn hơn. Hàng loạt các vấn đề như lệnh cấm Huawei…  càng khiến hai bên khó thu hẹp được bất đồng.

Bà Iris Pang- Chuyên gia kinh tế của tập đoàn ING cũng cho rằng, để có các cuộc đối thoại hiệu quả thì điều đầu tiên là một bên phải đưa ra nhượng bộ trước và cho đến thời điểm này chưa thấy có bất cứ dấu hiệu nào hai bên sẽ xuống thang trước./.

Tin Cùng Chuyên Mục