Năm sôi động trên thị trường M&A

Phạm Văn

Năm 2019 được giới chuyên gia kinh tế nhận định là năm cực kỳ sôi động của thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng... được các doanh nghiệp lớn săn đón nhiều nhất.

Vốn từ M&A tăng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2019 ghi nhận lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng cao, đạt 9.842 lượt với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Nhờ đó mà tổng vốn ngoại cam kết trong năm tăng so với năm trước.

Đáng chú ý, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9%, năm 2019 chiếm 40,7%. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị.

Ghi nhận theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, với lĩnh vực công nghiệp chế biến, các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc... chiếm phần lớn. 

Trong hai quý đầu 2019, Hồng Kông dẫn đầu danh sách vốn đầu tư vào Việt Nam, với 5,3 tỷ USD. Beerco Limited (Hồng Kông) chi 3,85 tỷ USD mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco).

Nhật Bản cũng không “kém cạnh” khi Công ty CP Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) công bố đã mua được hơn 20,6 triệu cổ phiếu Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 66,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 50,78% vốn điều lệ công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Taisho chính thức trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh của Việt Nam. 

Bất động sản giữ vững vị thế

Trong 19 lĩnh vực thu hút vốn ngoại, ngoài lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút vốn ngoại khi đứng thứ hai với 17,8% tổng vốn đầu tư.

“Mở hàng” năm 2019, Keppel Land (Singapore) thông báo thoái 70% cổ phần tại dự án Waterfront City (Đồng Nai) cho Tập đoàn Nam Long với tổng số tiền 2.323 tỷ đồng (100 triệu USD). 

Ngay sau đó, “ông lớn” đến từ Singapore này đã mua lại 60% cổ phần một khu đất 6,2 ha tại huyện Nhà Bè (TP HCM) thông qua một hợp đồng mua bán có điều kiện với Tập đoàn Bất động sản Phú Long. Tổng số tiền đầu tư của thương vụ này là 1.304 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD. 

Ghi nhận trong lĩnh vực này, Sơn Kim Land cũng thực hiện một thương vụ M&A với nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản với giá trị ước tính 121 triệu USD. 

Theo báo cáo của JLL, việc Lotte Land liên doanh với Tập đoàn FLC để phát triển một dự án quy mô 6,4 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Trước đó, phải kể đến việc Vingroup đã thu hút được 1,3 tỷ USD bằng cách bán cổ phần cho GIC Singapore. Quỹ này có dự định sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD dưới hai hình thức là mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.

Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều thương vụ M&A có tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt Nam từ những nhà đầu tư nước ngoài. 

Năm sôi động trên thị trường M&A - Ảnh 1

  Thương vụ sáp nhập PGBank - HDBank đang hoàn thiện thủ tục.

Năm 2020, dự báo tài chính ngân hàng sôi động 

Ngành tài chính ngân hàng sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, thì cuối năm 2018 đã bắt đầu rục rịch trở lại với nhiều thương vụ lớn. Cuối năm 2018, sau khi bán thành công 3% vốn cho GIC (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore), thu về 6.200 tỷ đồng, Vietcombank đang tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần.

Trong năm 2019, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quyết định bán 15% cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá hơn 20.295 tỷ đồng, tức khoảng 882 triệu USD.

Trong khi đó, VNLIFE - công ty mẹ của Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) đã được rót 300 triệu đô la vốn bởi SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore. Với thương vụ này, DealStreetAsia đã thông tin rằng SoftBank Vision Fund cam kết đầu tư 200 triệu đô la vào VNPAY, trong khi GIC đầu tư 100 triệu đô la. 

Năm 2020 cũng là năm mà Agribank tiến hành cổ phần hóa. Agribank đang có tổng tài sản đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, sẽ bán 35% cổ phần và nếu thành công, đây sẽ là thương vụ cực lớn trong ngành ngân hàng.

Một số ngân hàng cũng được ghi nhận là đang có những kế hoạch chuyển nhượng cũng như được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập PGBank - HDBank đang hoàn thiện thủ tục.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết, năm 2020 sẽ đặt nhiều ngân hàng trước bài toán M&A. Chưa kể, theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh. Điều này khiến M&A ngân hàng tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Năm sôi động trên thị trường M&A - Ảnh 2

 Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á.

Hàng tiêu dùng vẫn “hot”

Hồng Kông còn có Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; Dự án Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD; Dự án Chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR với vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh; Dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd đầu tư tại Tiền Giang...

Với 100 triệu dân và tăng trưởng đang ở mức cao nhất khu vực, Việt Nam được đánh giá là một thị trường cực kỳ tiềm năng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng. Để tránh việc đầu tư mất sản xuất từ đầu mất thời gian, phương án M&A được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn để tiếp cận nhanh nhất với thị trường Việt Nam. 

Năm 2019, lĩnh vực chế biến hải sản chứng kiến thương vụ Mitsui (Nhật Bản) chi ra 17 tỉ yên Nhật (khoảng 153 triệu USD) mua lại 35,1% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhà sản xuất tích hợp tôm lớn thế giới từ nuôi đến chế biến và bán hàng. 

Ngành thời trang ghi nhận khoảng 135 cửa hàng giày cùng túi xách thời trang nữ thương hiệu Vascara của Công ty TNHH MTV Global Fashion (GF) đã được sáp nhập vào công ty bán lẻ thời trang Nhật Bản - Stripe International. Global Fashion không tiết lộ giá trị thương vụ, nhưng các thông tin cho biết phía Nhật nắm 70% cổ phần tại GF.

Trước đó, tháng 9/2018, SK Group (Hàn Quốc) đã chính thức đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ gần 109,9 triệu cổ phiếu quỹ, để sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Group…

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu M&A của RECOF nhận định: “Làn sóng M&A sẽ sôi động hơn nữa trong các ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài coi M&A là cách nhanh nhất để có được giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống với sự tăng trưởng mạnh mẽ ấn tượng trong những năm qua sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn”.

Hiện Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với việc ban hành các nghị quyết ngay từ đầu năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như trong thu hút FDI trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.

Đặc biệt, hàng loạt chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút FDI thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút FDI, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Tin Cùng Chuyên Mục