Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Chiều 16/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp.

Quy định cụ thể, chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết sau hơn 07 năm thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và 03 năm thi hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, nhìn chung quy định của 02 Nghị định này đã được các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm túc.

Cùng với đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) để quy định cụ thể, chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã tạo nhiều thuận lợi cho bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.  
Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác kiểm tra, theo dõi của Bộ Tư pháp và việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương thì việc thực hiện 02 Nghị định nêu trên còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, một số quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay (như: quy định giải thích từ ngữ; ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn;…); một số quy định còn thiếu trong Nghị định cần bổ sung hoặc quy định rõ hơn (như: trách nhiệm rà soát, tổng rà soát hệ thống văn bản; trách nhiệm truyền thông chính sách trong lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL; việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…).

Vì vậy, việc kịp thời ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành VBQPPL là rất cần thiết. 

Nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính gồm: Nhóm các quy định được cắt giảm, đơn giản hóa để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng của văn bản nhưng vẫn phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương do có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; Nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác xây dựng pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Tiếp tục rà soát các VBQPPL có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật 

Đại diện Văn phòng Chính phủ.
Đại diện Văn phòng Chính phủ.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo. Cụ thể, về việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết hiện dự thảo Nghị định đang quy định cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL của cơ quan trung ương chỉ phải gửi lấy ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam những hồ sơ liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đồng chí đánh giá việc quy định như trên là chưa phù hợp; đồng thời không đạt được mục đích đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL do việc lấy ý kiến VCCI có thời hạn nhất định và thời hạn này đã nằm trong giai đoạn triển khai lấy ý kiến đối tượng chịu tác động. Mặt khác, dự thảo đã bổ sung quy định hết thời hạn lấy ý kiến mà cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì cơ quan lập đề nghị tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, đồng chí đề nghị tiếp tục gửi hồ sơ lấy ý kiến đề nghị xây dựng VBQPPL tới VCCI.

Đại diện Bộ Tài chính.  
Đại diện Bộ Tài chính.  

Còn đại diện Bộ Công an cho biết việc quy định “Văn bản được kiểm tra là các văn bản sau xác định có dấu hiệu trái pháp luật” là chưa hợp lý vì văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện trong quá trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Khi phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc xử lý theo quy định (làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kết luận về dấu hiệu trái pháp luật; xử lý khi có kết luận văn bản trái pháp luật). Do đó, theo đồng chí, việc kiểm tra để phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật phải được coi là một hoạt động trong quy trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Đại diện Bộ Công an.  
Đại diện Bộ Công an.  

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Thứ trưởng cho biết việc rà soát, sửa đổi toàn diện các quy định về ban hành VBQPPL đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ; vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này là rất cần thiết nhằm đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL; đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật. 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.  
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.  

Thứ trưởng cũng đánh giá dự thảo Nghị định cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phù hợp với các chính sách của nhà nước, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các VBQPPL có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đánh giá thêm các điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính khi thi hành Nghị định.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát, điều chỉnh khái niệm chính sách để bao quát nội hàm và phản ánh đầy đủ nội dung thuật ngữ chính sách; làm rõ khái niệm và các trường hợp kiểm tra VBQPPL; cân nhắc việc quy định “Nghị quyết của Chính phủ ban hành để chỉ đạo, điều hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, áp dụng với đối tượng cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định nhưng không phải là văn bản quy phạm pháp luật” tại dự thảo Nghị định; rà soát, nghiên cứu thêm các quy định liên quan đến đối tượng được gửi hồ sơ lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Thứ trưởng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung khác của dự thảo như: quy định về đánh giá tác động của chính sách; quy định về đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; ...

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục