Nghệ An nắm bắt tình hình để gỡ khó cho doanh nghiệp

Nguyễn Văn Nhật/ TTXVN

Tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; trong đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động, sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xác định địa điểm bố trí mặt bằng sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp theo tinh thần cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử.

Nghệ An nắm bắt tình hình để gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và những yếu tố tác động khác, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các ngành, các cấp chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và ngành thuế cũng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch và gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp.

Đến nay, trên địa bàn Nghệ An, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 11.249 khách hàng; thực hiện miễn, giảm tiền lãi, giảm lãi suất cho 35.455 khách hàng; giải ngân mới với lãi suất ưu đãi cho 53.206 khách hàng.

Tại Nghệ An, thời gian qua, trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã có những phản ánh khó khăn, vướng mắc đến chính quyền địa phương, các ngành liên quan.

Đơn cử, Công ty cổ phần Đại Việt về việc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh toán phần công nợ còn lại của Công trình sửa chữa đoạn đường từ KM 32+481 đến KM 35+187 đoạn qua thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 379 đề nghị không thực hiện thu tiền sử dụng đất Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bê tông và cấu kiện thép 379 đối với phần diện tích đang bị người dân lấn chiếm tại Khu A - Khu Công nghiệp Nam Cấm (địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc); Công ty TNHH Hoa Thường đề nghị xác định lại đơn giá thuê đất cho Công ty ở vị trí gầm cầu, ngõ cụt, đường hẻm... 

Đối với những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương nắm bắt, đề xuất và có hướng xử lý.

Đơn cử, đối với kiến nghị của Công ty cổ phần tổng hợp vật liệu Trường An đề nghị đẩy mạnh giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu A – Khu Công nghiệp Nam Cấm, UBND tỉnh Nghệ An đã giao UBND huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Công ty cổ phần Tổng hợp vật liệu Trường An hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đang bị người dân tái lấn chiếm tại Khu A - Khu công nghiệp Nam Cấm.

Đối với những kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa liên quan đến dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn để hoạt động, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã đề nghị tỉnh và các ngành liên quan xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; trong đó, có việc giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế; giảm lãi vay và giãn nợ ngân hàng; miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Nghệ An có trên 398 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,57% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký thành lập 3.771,03 tỷ đồng, tăng 48,54% so với cùng kỳ./.

Tin Cùng Chuyên Mục