Người chèo lái Dược Hậu Giang thành thương hiệu dược số một Việt Nam

Hà Vy

Gắn bó và trải qua biết bao thăng trầm cùng Dược Hậu Giang, Anh hùng lao động, Thầy thuốc ưu tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang - Phạm Thị Việt Nga được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đã có công đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam.

Người phụ nữ vượt khó

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Trường Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, mới 14 tuổi cô bé Phạm Thị Việt Nga hăng hái mang tuổi thanh xuân gia nhập Mặt trận Giải phóng miền Nam tham gia kháng chiến.

Người chèo lái Dược Hậu Giang thành thương hiệu dược số một Việt Nam - Ảnh 1

Anh hùng lao động, Thầy thuốc ưu tú Phạm Thị Việt Nga - Tổng Gám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, người được Forbes Việt Nam đã bình chọn bà là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á

Năm 1988, bà được phân công vào làm tại Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang (tiền thân của Công ty CP Dược Hậu Giang) vốn là kênh phân phối thuốc từ Trung ương đưa xuống và chỉ sản xuất vài ba loại thuốc cơ bản. Thời kỳ bao cấp dần thoái trào cũng là thời điểm bà bắt đầu với cương vị Giám đốc xí nghiệp. Nhìn công nhân sản xuất thuốc bằng tay, máy móc kỹ thuật thô sơ, năng suất thấp, bà Nga nhận ra sản phẩm Dược Hậu Giang đang trở nên lạc hậu và khó có thể cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Vậy là không quản ngại khó khăn, bà dấn thân xuôi ngược từ Nam ra Bắc để học hỏi kinh nghiệm những công ty dược có tiếng thời đó nhằm vực dậy một doanh nghiệp nhà nước đang gặp vô vàn gian khó, từ việc thiếu vốn, thiếu trang thiết bị, chưa tạo dựng được thương hiệu và đang bên bờ vực phá sản…

Trong vô vàn gian khó đó, bà chọn giải pháp nhập vàng về bán để lấy lời như một cách giúp xí nghiệp có tiền trả lương cho công nhân. Khi đã chủ động được nguồn hỗ trợ vay vốn từ phía ngân hàng, bà đặt nền móng đầu tiên trong việc đổi mới Dược Hậu Giang bằng cách nhập máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ khép kín từ nước ngoài về sản xuất thuốc có chất lượng cao, công suất lớn hơn, đồng thời tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp.

Nhờ vào chất lính thấm sâu vào máu thịt, tính tình cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ miền Tây Nam bộ, bà đã giúp Dược Hậu Giang xây dựng được nhà máy sản suất dược phẩm, thực phẩm chức năng lớn nhất Việt Nam, sánh vai với các nhà máy sản xuất thuốc lớn trong khu vực. Nhờ vậy mà uy tín của Dược Hậu Giang được nhiều người biết đến. Doanh số của đơn vị ngày một tăng lên và đến năm 1995 doanh thu của Dược Hậu Giang đã vươn lên dẫn đầu cả nước. Không dừng lại ở đó, với định hướng mang tầm chiến lược bằng cách đưa công ty tăng trưởng bền vững, bà Nga tiếp tục đưa Dược Hậu Giang áp dụng hiệu quả trong công tác marketing, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là triển khai hệ thống phân phối bán lẻ thành công trên phạm vi toàn quốc.

Với một ý chí không ngừng đổi mới, từ năm 2007 – 2008, mặc dù đã có bằng tiến sĩ nhưng bà vẫn theo học lớp MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) của UBI (Bỉ) để tiếp cận, cập nhật những kiến thức quản lý mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Sự chịu khó, kiên trì học tập, không ngừng đổi mới sáng tạo của bà đã “tiếp lửa”, truyền cảm hứng mạnh mẽ để đội ngũ quản lý của công ty ngày càng hoàn thiện về chuyên môn và trang bị thêm kiến thức về quản trị để đồng hành cùng bà chèo lài con thuyền Dược Hậu Giang vượt qua khó khăn, thách thức.

Tạo dựng lòng tin nơi khách hàng thành lợi thế cạnh tranh

Nếu như trong lãnh đạo bà luôn lấy chân tình và ý thức trách nhiệm để đối đãi với đội ngũ cán bộ công nhân viên trong công ty như người trong một nhà thì trên thương trường cạnh tranh, bà luôn dùng cái “tâm” đem lại những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành phù hợp cho người dân.

Người chèo lái Dược Hậu Giang thành thương hiệu dược số một Việt Nam - Ảnh 2

Bà Phạm Thị Việt Nga (thứ 4 từ trái sang) tham gia lễ mổ heo “Vì bệnh nhân nghèo” - một hoạt động xã hội đầy tính nhân văn do Dược Hậu Giang định kỳ tổ chức hàng năm. 

Theo bà Nga, Dược Hậu Giang làm thương hiệu không phải bằng chiết khấu giảm giá mà bằng cái tình, chia sẻ sản phẩm an toàn cho khách hàng. Bà luôn coi việc xây dựng lòng tin và quan hệ thân tình với khách hàng là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Điển hình cho những hoạt động kết nối khách hàng là chương tình “Nếu tôi là Tổng Giám đốc” được tổ chức hàng năm để lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân viên, khách hàng.

Bên cạnh đó, công ty cũng sử dụng câu lạc bộ khách hàng như một cầu nối gần gũi và trước khi ban hành các chính sách bán hàng công ty không quên lấy ý kiến của khách hàng. Bà Nga tâm niệm: “Lợi nhuận của doanh nghiệp là phần thưởng từ những nỗ lực cống hiến và làm việc hết mình vì xã hội chứ không phải từ kế hoạch kinh doanh siêu lợi nhuận bất chấp lợi ích của cộng đồng”. Bà luôn đặt chữ tâm vào tất cả các yếu tố quản trị, xây dựng doanh nghiệp và xem đó là yếu tố để thành công bền vững. Có tầm và có tâm trong hoạt động kinh doanh, bà đặt lợi ích phát triển xã hội, cộng đồng trên lợi ích của công ty. Cũng chính vì thế mà bà dành ưu tiên số một cho công nghệ sản xuất sạch, chất lượng cao, giá thành phù hợp với nhu cầu xã hội.

Không những tạo dựng chữ tín, lòng tin nơi khách hàng, nữ doanh nhân còn dùng cái tâm để tạo điểm tựa vững chắc cho cán bộ công nhân viên công ty và đóng góp nhiều việc làm thiết thực vì cộng đồng thông qua những hoạt động như: nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng; thành lập “Ngân hàng máu sống Dược Hậu Giang”; phong trào “nuôi heo đất” vì bệnh nhân nghèo; xây nhà tình nghĩa; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học; tích cực tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt… Giá trị của mỗi doanh nhân, đối với bà đơn giản là có thể làm nhiều việc, giúp được nhiều người.

“Không đổi mới, doanh nghiệp sẽ không tồn tại”

Để đưa sản phẩm Dược Hậu Giang đến gần hơn với người tiêu dùng cũng như mở rộng thêm nhiều kênh phân phối trong và ngoài nước, bằng cách đề ra những triết lý vận hành doanh nghiệp mang tính đổi mới bà Nga luôn coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và chiến lược marketing. “Không đổi mới, doanh nghiệp sẽ không tồn tại”. Nghĩ thế, bà đã thành lập ra phòng nghiên cứu và phát triển của công ty và là người đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học với hơn 34 đề tài, sáng kiến.

Bà luôn đồng hành cùng các cộng sự tìm kiếm những hoạt chất mới, công nghệ đặc biệt để tạo nên nhiều dòng sản phẩm độc đáo cho công ty. Đến nay, Dược Hậu Giang đã có 126 đề tài nghiên cứu, 90 sáng kiến được đưa vào áp dụng trong thực tế, giúp doanh nghiệp mang về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Trong số 398 sản phẩm công ty đang sản xuất có 120 sản phẩm mới. Quan điểm kinh doanh của bà là kiên trì, học hỏi, gắn liền với việc thay đổi để phát triển - sáng tạo để không tụt hậu.

Người chèo lái Dược Hậu Giang thành thương hiệu dược số một Việt Nam - Ảnh 3

 Bà Phạm Thị Việt Nga, đại diện Công ty cổ phần Dược Hậu Giang trao tặng chi phí tài trợ khám bệnh, phát thuốc miễn phí và đóng góp Quỹ “hướng về y tế cơ sở” năm 2017 tại lễ kỷ niệm 62 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam.

Dù trong lĩnh vực sản xuất hay trong môi trường kinh doanh bà đều coi trọng những sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Hiện nay hệ thống bán hàng của Dược Hậu Giang có mặt 63 tỉnh thành trên cả nước. Qua hệ thống này, Dược Hậu Giang phục vụ nhu cầu của hàng chục vạn khách hàng, trong đó quá nửa là khách hàng thân thiết. Không ngừng đổi mới chuyên nghiệp hơn trong cách quản lý và điều hành doanh nghiệp, bà Nga còn là một doanh nhân mà bất kỳ một đối tác nào cũng mong muốn được hợp tác chiến lược và dài hạn.

Luôn không ngừng học hỏi và phấn đấu để cho ra những giải pháp đột phá mới trong doanh nghiệp, nữ doanh nhân “quyền lực” này nghiệm ra rằng để hướng đến sự thành công, bản thân người doanh nhân phải không ngừng học hỏi, không lùi bước trước khó khăn; biết huy động sức lực và phát huy trí tuệ của tập thể, đồng thời làm gì cũng phải có cái tâm trong sáng. Doanh nhân khi làm việc phải luôn có một cái đầu lạnh và tinh thần thép, không vì khó khăn mà bỏ cuộc.

Bà Phạm Thị Việt Nga đã vinh dự được rất nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1994; Anh Hùng Lao Động năm 2002; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Cá nhân xuất sắc phong trào “Thập niên chất lượng” 1995-2005; Chiến sĩ Thi đua cấp ngành các năm 1991, 1992, 1994; Bằng khen “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngành Y tế lần thứ nhất giai đoạn 2002-2006 do Bộ trưởng Bộ Y tế tặng năm 2007; Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam liên tục từ năm 1989-1994; Huy chương Vì thế hệ trẻ của TW Đoàn TNCS HCM năm 1993; Huy chương “Bảo vệ An Ninh Tổ quốc” năm 1995; Huy chương vì sự nghiệp Công đoàn năm 1995; Khen thưởng BCH Hội Chữ thập đỏ năm 1996; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động VN tặng năm 1997; Danh hiệu “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam năm 1995-2000; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam” của Bộ Công nghiệp năm 2005; Bằng khen và chứng nhận Doanh nhân thành đạt của Bộ Công nghiệp năm 2006; Bằng khen “Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới” do Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng năm 2007; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2007; Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu giai đoạn 2006 - 2008...

Tin Cùng Chuyên Mục