Người thuê nhà phố Sài Gòn đồng loạt trả mặt bằng

Hà Giang

(Doanhnhan.vn) - Nhiều đơn vị thuê nhà phố để kinh doanh bị giảm 50-80% doanh thu, dẫn đến việc đóng cửa đồng loạt trong quý I/2020.

Báo cáo thị trường bán lẻ tại TP HCM trong quý I của Savills Việt Nam dẫn chứng những thông tin không mấy khả quan do những tác động của dịch Covid-19. Trong đó, các chủ nhà phố cho thuê bán lẻ, Covid-19 đã có những ảnh hưởng nặng nề và ngay lập tức.

Theo đơn vị nghiên cứu, hầu hết khách thuê nhà phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bị tác động mạnh từ sự sụt giảm doanh thu đột ngột nhiều hơn các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Các thương hiệu nổi tiếng có diện tích thuê cả ở các trung tâm mua sắm và ở các nhà phố thường quyết định đóng các cửa hàng tại nhà phố trước.

Người thuê nhà phố Sài Gòn đồng loạt trả mặt bằng - Ảnh 1
Nhà phố tại TP HCM trong những giai đoạn còn kinh doanh tốt, đến nay đã đồng loạt đóng cửa, trả mặt bằng

Kể từ đầu tháng 2, nhiều khách thuê nhà phố đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Một số khách thuê muốn giữ lại các vị trí đắc địa quyết định đóng cửa tạm thời hoặc yêu cầu giảm tiền thuê trong suốt thời gian ngừng hoạt động. Một khảo sát gần đây của bộ phận Nghiên cứu Savills cho thấy, doanh thu tại một số nhà hàng đã giảm 50% trong tháng 2 và đến 80% theo tháng trong tháng 3. Yêu cầu thuê nguyên căn và giá thuê cao cũng là những lý do cho việc đóng cửa.

Tại các trung tâm thương mại, đơn vị này ghi nhận một số hợp đồng bị hủy tại các dự án ngoài khu vực trung tâm. Trước khi đóng cửa, công suất thuê ở khu vực ngoài trung tâm ghi nhận giảm, đặc biệt là đối với các khối đế thương mại với diện tích dành cho ngành ăn uống và giải trí chiếm tỷ lệ cao. Các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đang cố gắng trì hoãn hợp đồng hoặc xem xét lại các điều khoản thuê. Trong ngắn hạn, diện tích trống dự kiến sẽ tăng.

Theo Savills, giá chào thuê trung bình giảm -2% theo quý do các dự án ngoài trung tâm chào giá thuê giảm để thu hút các khách thuê mới. Một số trung tâm bán lẻ tại khu vực này đã cung cấp giá thuê giảm đến 30% so với quý IV/2019. Nhiều dự án tại khu vực trung tâm đã lấp đầy miễn cưỡng điều chỉnh giá thuê trong ngắn hạn, tuy nhiên áp lực giảm giá dự đoán tăng trong thời gian tới.

Khảo sát chủ đầu tư do Savills thực hiện gần đây cho thấy họ cung cấp mức giảm giá thuê tháng phổ biến từ 10% đến 30% và một số trường hợp lên đến 50%.

Các khách thuê thuộc các lĩnh vực như giáo dục, trò chơi giải trí và ăn uống có doanh thu giảm đáng kể và đang đề nghị mức giá thuê giảm ưu đãi hơn trong suốt thời gian đóng cửa. Các khách thuê mới đang trong quá trình cân nhắc việc gia nhập thị trường đã tiến hành đàm phán lại giá thuê. Một số khác đã hoãn việc hoàn tất hợp động thuê mới và một số khách thuê đã kí hợp đồng trước khi bị đóng cửa đang tìm cách xin gia hạn việc miễn tiền thuê nhà.

Savills Việt Nam đánh giá, trong 9 tháng tới, 87% nguồn cung mới sẽ tập trung tại khu vực ngoài trung tâm và điều nay có thể dẫn đến giá thuê trung bình giảm. Việc người tiêu dùng phải đối mặt với việc giảm thu nhập và sự không chắc chắn tăng, các chủ đầu tư đang xem xét trì hoãn thời điểm tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, Savills cũng nêu một điểm lưu ý tích cực, chi phí thuê giảm sẽ tạo động lực cho ngành. Các nhà bán lẻ hiện hữu sẽ phải đổi mới các chiến lược bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các ngành bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh như ăn uống, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn những ngành khác khi dịch bệnh kết thúc và người tiêu dùng địa phương sẽ nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội. Các ngành liên quan đến kinh doanh trực tuyến như thời trang có thể phục hồi chậm hơn khi hành vi tiêu dùng thay đổi, từ mua sắm tại cửa hàng sang mua sắm trực tuyến.