Nguyễn Hữu Thái Hòa: "Con đường nhanh nhất vẫn là khởi nghiệp!"

Quan Sơn

“Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm; Chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Con đường nhanh nhất vẫn là khởi nghiệp…”.

Khởi nghiệp còn mang tính phong trào

Ông đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Những năm gần đây, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào thời thượng ở Việt Nam. Cộng đồng khởi nghiệp ngày càng đông đảo, phong trào khởi nghiệp xuất hiện ở mọi tầng lớp, đặc biệt là ở những bạn trẻ mang trong mình nhiệt huyết và đam mê. Tuy nhiên, khởi nghiệp tại Việt Nam trong vài năm qua chỉ là hình thức, chỉ hô hào suông, chưa thấy tổ chức nào đứng ra tìm hiểu, tư vấn khởi nghiệp có hiệu quả cho những người muốn khởi nghiệp.

Việc khởi nghiệp đang diễn ra như một phong trào và chắc chắn sẽ thất bại vì đại đa số sinh viên không thể làm ra tiền từ khởi nghiệp. Giai đoạn đang học, cần phải tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Giá trị của tuổi trẻ là sáng tạo, khao khát... rồi sau cùng hãy nghĩ tới tiền.

Nguyễn Hữu Thái Hòa:

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược Tập đoàn VNPT 

Trong khi đó, hầu hết người khởi nghiệp đều chưa hình thành một khái niệm, một định nghĩa đúng đắn. Chúng ta đang định nghĩa lẫn lộn giữa Startup (khởi nghiệp) và Entrepreunership (Tinh thần khởi nghiệp).

Entrepreunership cần cho mọi cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn Startup là Start (bắt đầu) một công ty nhỏ đầu tiên, sau đó thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh (Up), với đích đến là lên sàn (IPO) nhằm bán lại cho người khác gấp nhiều lần giá trị đầu tư ban đầu.

Vì thế, nhiều bạn nhắn tin cho tôi trên facebook xin gặp, nói hay và kinh khủng lắm nhưng khi hỏi ba bốn câu thì chả ra ngô khoai gì cả. Tức là nghe đâu đó được hai ba phần, đi chém rồi ngộ nhận mình làm được mười phần. Vì vậy, vấn đề nan giải của khởi nghiệp hiện nay là nói rất nhiều nhưng làm thì ít.

Khi tiến hành khởi nghiệp các Startup đều cho rằng đó là một cách để kiếm tiền. Điều đó có làm cản trở sự sáng tạo không, thưa ông?

Trước hết, Startup là những nơi chúng ta nuôi dưỡng sản phẩm mới, dịch vụ mới là công việc của công ty mới. Hay nói cách khác, khởi nghiệp là cách bắt đầu một ngành nghề, một tình yêu, đam mê để tạo ra một giá trị nào đó cho xã hội chứ không hẳn là kinh doanh. Do đó, nên tránh đặt tiền và kinh doanh lên đầu trong vấn đề Startup.

Thế nhưng hiện nay, nói về khởi nghiệp, hầu hết người trẻ ở Việt Nam chỉ nói về Startup kinh doanh. Tôi cảm giác tất cả các bạn trẻ khởi nghiệp đang lao vào công cuộc kiếm tiền và bản chất là vô cùng dễ thất bại nếu mục tiêu đặt ra là tiền. Nếu tất cả các bạn trẻ, sinh viên khởi nghiệp đều sớm lao vào công cuộc đi kinh doanh kiếm tiền là cách hiểu méo mó, chỉ mang tính chất phong trào. Đối với bạn trẻ, kinh nghiệm, sự từng trải... những thứ này chưa chắc đã ra tiền nhưng còn đáng quý và cần thiết hơn tiền rất nhiều.

 
Giá trị lớn nhất của tuổi trẻ là lao động, lao động và lao động cật lực, sau đó nếu có may mắn sẽ thành công và luôn nhớ không được phép bỏ qua mọi cơ hội dù là nhỏ nhất

Tự bơi, tự sống và tự... chết

Những năm qua, số lượng Startup duy trì và phát triển chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn đa phần đều chết yểu. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Tôi từng ngồi ở hội đồng chấm các chương trình khởi nghiệp, tuy nhiên, các dự án đoạt giải thưởng đều chết yểu. Bởi với khoản tiền thưởng 100 - 200 triệu đồng thì các dự án Startup chỉ sống sót được chừng nửa năm, nếu không có các qu¬ đầu tư rót tiền vào thì sớm muộn gì nó cũng chết, nếu có sống cũng rất khó khăn hoặc chủ nhân của Startup sẽ chuyển hướng.

Sự khác biệt giữa khởi nghiệp ở Việt Nam và Singapore là chúng ta không có hệ thống tài chính đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp. Thường nhà khởi nghiệp Việt tự tìm được tiền thì làm, còn không thì tự bơi, tự sống và... tự chết.

Do đó, thời gian tới, khi làm các sàn khởi nghiệp phải có hội đồng chuyên môn phê duyệt dự án song hành với hội đồng đầu tư. Hai hội đồng này phải làm việc với nhau rất chặt chẽ. Khởi nghiệp như thế mới đích thực là khởi nghiệp thật, chứ lâu nay chúng ta vẫn thiên về làm phong trào.

Với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì khởi nghiệp nên tập trung từ các lĩnh vực nào, thưa ông?

Năng lực cạnh tranh quốc gia với chiến luợc phát triển các mũi nhọn công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch thông minh, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ - phân phối và giáo dục đào tạo là 6 mũi nhọn cơ bản nhất trong 20 năm tới của Việt Nam. Đây là mô hình mà người Do Thái đã làm rất thành công ở Trung Quốc. Đương nhiên Startup Việt Nam phải đi theo hướng này. 6 mũi nhọn này là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam, những đối tượng - đối tác Do Thái hay các chuyên gia nước ngoài thấy điều này và họ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam nếu chúng ta có cơ chế tài chính thành lập các ngân hàng sở hữu trí tuệ.

Nguyễn Hữu Thái Hòa:

 

Cần quan tâm khởi nghiệp nhiều hơn

Thưa ông, hiện nay Chính phủ có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam?

Hiện nay hầu hết các dự án Startup ở nước ta đẩy hết trách nhiệm này cho các bạn trẻ tự ngồi nghĩ ra ý tưởng rất lãng mạn nhưng không xuất phát từ kinh tế thị trường và ít được hỗ trợ của Chính phủ. Trên thực tế, các tập đoàn hùng mạnh, các quốc gia phát triển không làm như thế. Nghiên cứu và phát triển (Research and Development) - R&D phải luôn gắn với thị trường và xuất phát từ đặt hàng của thị trường qua các cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn, nhà đầu tư và sự hỗ trợ của cả một hệ thống vườn ươm khởi nghiệp bài bản.

Singapore xây dựng trên 10 tòa nhà khởi nghiệp, trong đó có nhiều tòa nhà trong khuôn viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Mỗi tòa nhà trị giá khoảng 100 triệu USD do Nhà nước đầu tư. Doanh nghiệp vào sàn khởi nghiệp theo quy trình, thuê chỗ và “cày” liên tục, 3 tháng báo cáo kết quả một lần, nếu dự án thất bại thì sẽ phải rút lui khỏi sàn và nhường chỗ cho dự án khác.

Các sàn khởi nghiệp ở Singapore có một danh sách dài các dự án chờ được bảo trợ (sponsor) để vào sàn. Hiện có hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới vào Singapore để cùng làm Startup và thu hút các nhân tài từ khắp các nơi trên thế giới. Cách làm của Singapore không chỉ dành cho các sinh viên mới ra trường hay người mới bắt đầu khởi nghiệp trong nước mà còn dành cho tất cả các nhà khởi nghiệp trên toàn cầu. Như vậy, sàn khởi nghiệp ở Singapore là một cách Chính phủ tạo điều kiện để đưa tri thức thế giới vào đất nước họ. Họ kết nối toàn cầu thông qua các dự án Startup.

Trong khi ở Việt Nam, vài doanh nghiệp cũng đang đầu tư làm một số sàn khởi nghiệp, như sàn khởi nghiệp UP ở Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh khá giống mô hình các sàn khởi nghiệp Singapore. Dĩ nhiên, tư nhân đầu tư vốn có hạn nên quy mô còn nhỏ. Còn sự hiện diện của Chính phủ thì gần như không có gì.

Và tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, con đường nhanh nhất vẫn là con đường khởi nghiệp. Nhà nước Singapore đứng ra làm dịch vụ khởi nghiệp rất tuyệt vời. Chúng ta nên học mô hình này để ứng dụng trong điều kiện ở Việt Nam. Giải pháp thông minh toàn cầu (Smart Solutions) là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam tiến vào thời đại công nghiệp 4.0 với các lợi thế cạnh tranh về công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch.

Ông có lời khuyên nào cho những bạn trẻ đã và đang có ý định khởi nghiệp?

Giá trị lớn nhất của tuổi trẻ là lao động, lao động và lao động cật lực, sau đó nếu có may mắn sẽ thành công và luôn nhớ không được phép bỏ qua mọi cơ hội dù là nhỏ nhất.

Trên thực tế, các bạn mới Startup chưa có kinh nghiệm, vốn liếng ít ỏi thì chỉ có lao động cật lực mới biến những cái vô hình thành giá trị hữu hình. Các bạn mới Startup thường kém về năng lực cạnh tranh, nên chủ yếu phải lấy công sức lao động để biến thành giá trị. Chỉ có lao động cật lực thì mới có kết quả thực sự.

Ngoài ra, yếu tố may mắn và cơ hội cũng rất quan trọng - nghĩa là khi phát hiện ra trên thị trường có những ngách hay “đại dương xanh” mà chưa ai làm thì mình phải nhảy vào làm ngay, nắm bắt cơ hội ngay. Như thế mới dễ thành công và đây cũng là sự thành công đặc biệt.

Xin cám ơn ông!

Tin Cùng Chuyên Mục