Những sai lầm cần tránh khi startup gọi vốn

Theo TheLeader

Công ty khởi nghiệp có thể đánh mất đi cơ hội phát triển vì mắc phải những sai lầm trong quá trình gọi vốn.

Theo ông Phạm Trung Dũng, phụ trách Phòng hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Chuyển giao tri thức hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp thời gian qua đã phải chịu những thiệt hại nặng nề và thể hiện sức đề kháng kém trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp thiếu rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là thiếu vốn, thiếu khả năng kiểm soát dòng tiền”, ông Dũng lý giải.

Một trong những phương án được các công ty khởi nghiệp lựa chọn để khắc phục sự thiếu hụt về vốn là kêu gọi vốn từ các quỹ khởi nghiệp và nhà đầu tư.

Nếu không chứng thực được giá trị, các công ty khởi nghiệp sẽ khó có thể nhận được cái gật đầu từ nhà đầu tư
Nếu không chứng thực được giá trị, các công ty khởi nghiệp sẽ khó có thể nhận được cái gật đầu từ nhà đầu tư

Thực tế, nhiều công ty khởi nghiệp thông qua quá trình gọi vốn thành công đã vươn lên mạnh mẽ, chiếm lĩnh thị trường, trở thành những “ông lớn” với tiềm lực đáng gờm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thái Dương, Nhà sáng lập đơn vị hỗ trơ khởi nghiệp Vietnam Startup Insider (VSI), nếu không chứng thực được giá trị, mắc phải những sai lầm trong quá trình gọi vốn, các công ty khởi nghiệp sẽ khó có thể nhận được cái gật đầu từ nhà đầu tư.

Ông Dương giải thích thêm, các nhà đầu tư thường được một số cá nhân, tổ chức ủy thác quyền sử dụng một số tiền lớn, do đó họ rất có trách nhiệm với các quyết định đầu tư.

Thừa nhiệt huyết, thiếu thực tế

Đầu tư là đầu tư vào tương lai, nhưng là tương lai chứng minh được chứ không phải tương lai mù mịt! - Ông Lê Thái Dương, Nhà Sáng Lập Vietnam Startup Insider (VSI).

Trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp tại tọa đàm Xây dựng chiến lược nguồn vốn và tối ưu dòng tiền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội phối hợp tổ chức, ông Dương cho biết, sai lầm phổ biến nhất của các bạn trẻ làm khởi nghiệp là quá "yêu” sản phẩm của mình.

Cụ thể, nhiều dự án khởi nghiệp được tiến hành dựa trên ý tưởng rất sáng tạo và có tiềm năng, tuy nhiên bản thân người sáng lập lại quá đam mê và hình tượng hóa sáng kiến của mình, không quan tâm đến nhu cầu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng.

“Nhà đầu tư không quan tâm sản phẩm tốt đẹp thế nào, họ chỉ quan tâm đến hàng có bán được hay không, thị trường có đủ lớn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển hay không”, ông Dương nhận định.

Bên cạnh đó, sự thiếu thực tế còn thể hiện ở việc startup không thực sự thấu hiểu sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Dương cho biết, trước sự trỗi dậy của nền kinh tế số, cách mạng công nghệ 4.0, nhiều bạn trẻ đưa ra ý tưởng rất táo bạo về công nghệ sẽ định hình thị trường trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) nhưng thậm chí còn chưa định nghĩa được rõ ràng các khái niệm này.

Đồng quan điểm với ông Dương, bà Phạm Thị Quyên, Phó trưởng phòng thanh tra kiểm toán nhà nước nhận định, sai sót phổ biến nhất của doanh nghiệp nằm ở sự mơ hồ khi lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Theo đó, bản chất của tài chính là phải có vốn và phải biết phân phối vốn như thế nào. Đa số các doanh nghiệp quy mô nhỏ và công ty khởi nghiệp “chết” ở khâu phân phối, dẫn tới không thể đưa ra định hướng phát triển cho tương lai, không kiểm soát được rủi ro có thể xảy đến.

Ông Lê Thái Dương, Nhà sáng lập Vietnam Startup Insider (VSI)
Ông Lê Thái Dương, Nhà sáng lập Vietnam Startup Insider (VSI)

“Thiếu trung thực, cơ hội sẽ mất đi mãi mãi”

Với kinh nghiêm hỗ trợ tư vấn cho chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) cũng như nhiều thương vụ khởi nghiệp và đầu tư có danh tiếng, ông Dương đúc kết, nguyên tắc vàng không bao giờ được phá vỡ khi gọi vốn nằm ở sự trung thực.

Theo đó, sai sót do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng non nớt có thể được bù đắp qua thời gian và nỗ lực hoàn thiện bản thân, còn nếu người gọi vốn thiếu trung thực, cơ hội sẽ mất đi mãi mãi.

Nhà sáng lập VSI cho biết, một số trường hợp các dự án khởi nghiệp làm dự phóng tài chính đưa ra một con số khổng lồ, nhưng các số liệu, từ quy mô thị trường đến doanh thu đều bị làm giả với mục đích qua mặt nhà đầu tư.

Thực tế, các nhà đầu tư luôn làm việc tương đối chuyên nghiệp với đội ngũ kiểm toán và mạng lưới quan hệ với chuyên gia trong mọi lĩnh vực, có thể kiểm tra tính xác thực của sổ sách, số liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Thông tin của công ty khởi nghiệp có ý định ‘lừa” nhà đầu tư sẽ được chia sẻ rộng rãi trên mạng lưới kết nối riêng, với quy mô bao phủ toàn khu vực Đông Nam Á, khiến công ty hoàn toàn mất đi cơ hội gọi vốn.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục